Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có Quốc kỳ riêng của mình. Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết đời đời bền vững của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây còn là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Việc treo cờ Tổ quốc là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Hiện nay, việc treo cờ Tổ quốc trong Nhân dân hầu như đã trở thành nền nếp vào mỗi dịp lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân.
Ảnh: Sưu tầm
Tuy nhiên, đối với một số địa phương trên cả nước nói chung và huyện Nậm Pồ nói riêng vẫn còn những người thiếu cẩn thận hoặc còn xem nhẹ việc treo Quốc kỳ: Treo cờ Tổ quốc còn lộn xộn, mỗi nhà một kiểu, không theo quy cách nhất định, cùng một địa bàn dân cư nhưng có nhà cắm cờ trước cửa, trên cổng, có nhà lại cắm ở bờ rào, trên cây, cột điện,... Rồi có những hộ không để ý bỏ quên cả tháng ngoài trời, trải qua mưa nắng khiến cờ bị bạc mầu, ủ rũ, cán cờ chúc ngược xuống dưới. Không chỉ ở các khu dân cư, việc treo cờ tại một số đơn vị, cơ quan Nhà nước cũng nằm trong tình trạng trên.
Thiết nghĩ, cờ đỏ sao vàng, lá Quốc kỳ thiêng liêng của chúng ta đã đi vào tâm khảm của biết bao thế hệ người Việt Nam. Mỗi người trong chúng ta chỉ cần nâng cao ý thức và lưu tâm hơn một chút thì hình ảnh lá cờ Tổ quốc sẽ càng thêm thiêng liêng, trang trọng, ý nghĩa của nghi lễ treo Quốc kỳ sẽ trọn vẹn hơn. Đồng thời các cấp chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể ở cơ sở nên lưu tâm hướng dẫn và nhắc nhở cơ quan, gia đình tại địa bàn mình thực hiện đúng trách nhiệm của công dân đối với Quốc kỳ vinh quang của dân tộc.