Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ lần thứ nhất, ở phần thi không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương của 15 trại của các xã tham gia. Mỗi xã đã giới thiệu một trại văn hoá đặc trưng của người Mông trên địa bàn huyện Nậm Pồ như: Trưng bày giới thiệu, không gian tín ngưỡng, trang phục, trang sức, công cụ lao động, sản xuất, nghề thủ công truyền thống và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương…trong đó, ở gian hàng nào cũng có cây khèn Mông.
Những nghệ nhân say sưa dạy các thế hệ trẻ thổi khèn Mông tại Ngày hội
Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Cây khèn rất quan trọng với người Mông, có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để múa, có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp.
Các gian hàng trưng bày tại Ngày hội không thể thiếu cây khèn Mông
Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác. Để làm ra một chiếc khèn tốn không ít thời gian, từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng, bay cao vút phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.
Khèn dùng để thổi trong đời sống hàng ngày (trừ đám cưới) như: ngày hội xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu (người phụ nữ Mông phân biệt rất giỏi, biết được tiếng khèn nào của người mình yêu). Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên. Khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.
Thế hệ trẻ đồng bào Mông say sưa với tiếng khèn tại Ngày hội
Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn. Người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.
Đến với gian hàng trưng bày của xã Nà Bủng, ngoài trang phục đặc sắc là tiếng âm thanh từ khèn Mông do nghệ nhân tiêu biểu của xã biểu diễn
Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương./.