Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều tổ chức hội xuân với nhiều hoạt động cho bà con nhân dân vui Tết đón xuân. Các hội xuân đều sôi động, náo nhiệt, tạo nên không khí mùa xuân vui tươi phấn khởi trên huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ. Trong số đó, có một hội xuân không quá ồn ào náo nhiệt nhưng lại chứa chan tình cảm, sự gắn bó đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mông qua trò chơi ném Pao. Đó là hội xuân Si Pa Phìn.
Hội Pao Si Pa Phìn
Giữa cái nắng đầu xuân đã mang dư vị của những cơn gió Lào, đồng bào dân tộc Mông ở xã Si Pa Phìn vẫn che ô cùng chung vui trong trò chơi Ném Pao. Đó là ấn tượng đầu tiên khi đến với hội Pao Si Pa Phìn. Thế nhưng, ấn tượng hơn cả, là những làn điệu dân ca mượt mà vang lên từ những con người chất phác thật thà quanh năm chỉ biết lên nương rẫy.
“Anh yêu em
Anh ném qủa Pao
Em không yêu
Qủa Pao rơi rồi...”
Đó là một phần dịch nghĩa của câu hát dân ca khi các nam thanh nữ tú vui hội Pao giao duyên với nhau. Đã từ lâu đời, quả Pao góp phần se duyên cho nhiều đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng. Ném Pao là một trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Với động tác khá đơn giản, chỉ cần từ 2 người chơi trở lên, hai bên ném quả Pao qua lại, nhưng lại trao nhau bằng cả ánh mắt, nụ cười, tâm tư tình cảm qua mỗi lần ném hay bắt quả Pao. Ở hội xuân Si Pa Phìn, từng tốp người đứng lại với nhau cùng chơi ném Pao. Bọn trẻ đứng với nhau ném Pao vui đùa trong tiếng cười đùa trong trẻo. Còn hội Pao người lớn vừa ném Pao vừa hát giao duyên. Làn điệu du dương vang lên không theo một nhịp phách nào, bởi trong hội Pao ai cũng hát, cứ hai người một đôi cùng ném Pao và hát giao duyên. Lời ca giao duyên tùy thuộc vào khả năng ứng biến của người chơi theo từng tình huống đối phương đặt ra. Tôi có đứng thưởng thức cặp đôi ném Pao và hát giao duyên xuất sắc nhất hội và có nhờ một già phiên dịch lại....
“Nếu theo anh về làm vợ anh
Em sinh con trai đầu lòng
Anh sẽ mổ trâu khao cả bản ăn sáng
Nếu sinh con gái đầu lòng
Anh sẽ mổ bò khao cả bản ăn trưa..”
Đệm theo những câu hát chính là những tràng vỗ tay, những tiếng cười tán thưởng cổ vũ của những người dự hội.
Cô gái đối đáp rằng:
“Em còn mẹ đã già yếu
Em còn các em đang độ tuổi ăn học
Nếu yêu em..
Mình hẹn mùa Pao năm sau nhé
Hẹn mùa Pao năm sau
Em sẽ theo anh về...”
Đôi ném Pao thu hút được nhiều người cổ vũ nhất ở hội Pao Si Pa Phìn
Ném Pao vốn là trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, cùng với sự phát triển của internet và điện thoại di động, hội Pao đã dần vắng bóng tại các hội xuân hay các lễ hội của đồng bào dân tộc Mông. Nhưng ở hội xuân Si Pa Phìn, chúng ta vẫn còn được cảm nhận trọn vẹn về ý nghĩa của trò chơi truyền thống này. Tại đây, già trẻ gái trai đều say xưa ném Pao theo cách riêng của từng lứa tuổi tạo nên một hội Pao tự nhiên chân thật như từ xưa để lại.
Hội Pao của trẻ con Si Pa Phìn
Đến với hội Pao Si Pa Phìn, người già như được trẻ lại, người trẻ tìm thấy niềm vui riêng, còn trẻ con được tiếp cận và bắt đầu chơi trò chơi truyền thống của người xưa để lại. Không gian hội Pao này vẫn còn mang âm hưởng truyền thống khiến cho mỗi ai đến đây đều cảm nhận được cái tình ấm áp, sự chân chất thật thà của đồng bào vùng cao./.