Nhằm chủ động ứng phó với tình hình thời tiết và hạn chế tối đa thiệt hại trên đàn gia súc, cấp ủy chính quyền từ huyện đến xã và các cơ quan phòng ban chức năng huyện Nậm Pồ đã nỗ lực ra các văn bản chỉ đạo, cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn các kỹ thuật phòng chống đói rét cho đàn gia súc vào mùa đông. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, gần như năm nào trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét trong mùa đông. Trong số đó, xã Si Pa Phìn luôn là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Nguyên nhân liệu có phải do sự chủ quan của người chăn nuôi?
Có mặt tại bản Chế Nhù, xã Si Pa Phìn trong đợt rét đậm rét hại kéo dài từ cuối tháng 12 năm 2018 sang đầu tháng 1 năm 2019, chúng tôi gặp nhiều hộ gia đình ngậm ngùi tiếc nuối những con trâu, con bò - là tài sản lớn của gia đình bị chết rét, chết bệnh. Trong số đó, gia đình ông Giàng A Vừ, vốn là một hộ nghèo trong bản, nhờ tích cóp qua nhiều năm lao động sản xuất mới mua được con trâu, niềm vui như được nhân đôi khi con trâu đẻ thêm con nghé. Thế nhưng, trong đợt rét đậm vừa qua, con nghé đã bị chết rét. Ông Vừ không tránh khỏi tiếc nuối, ông nói trong nước mắt: “ Nhà tôi có một con trâu và một con nghé đấy thôi, chết mất con nghé thì tiếc lắm. Sáng ra nghe người trong bản gọi, con nghé bị chết rồi. Tôi như chết đứng. Tiếc lắm, nghĩ lại thì cũng tại gia đình mình, chưa kịp làm chuồng trại gì cho nó ở, lạnh thế này, mình ở trong nhà còn phải ngồi sưởi ấm trong bếp, làm sao con nghé chịu được.”
Cũng ở bản Chế Nhù, xã Si Pa Phìn, cùng ngay thời điểm đó, gia đình ông Giàng A Súa cũng có con nghé bị chết. Nguyên nhân được cho là bị chết rét. Ông Súa thừa nhận: “ Gia đình tôi có 4 con trâu, do sơ ý nên chỉ thả trên đồi, chưa kịp làm chuồng trại gì, mấy hôm nay trời lạnh nên nó bị chết rét. Tiêm phòng thì gia đình cũng cho tiêm đầy đủ rồi, cũng tại gia đình còn sơ ý thôi. Mình rút kinh nghiệm, chăn nuôi tốt hơn, hy vọng trâu, bò không bị chết nữa.”
Người chăn nuôi thừa nhận để trâu bò bị chết là do vẫn còn chủ quan
Trao đổi với ông Mùa A Hòa, chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, ông Hòa cho biết: Trong các đợt rét đậm, rét hại mùa đông 2018 - 2019, tính đến thời điểm này, xã Si Pa Phìn có khoảng 60 con trâu bò bị chết rét và bệnh. Và mùa đông năm 2017 - 2018, toàn xã có khoảng 100 con trâu, bò bị chết do chết rét và bệnh. Ông Hòa cũng cho biết thêm: Ngay từ đầu mùa đông xã đã tuyên truyền vận động các hộ gia đình chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Đồng thời, xã đã chỉ đạo đôn đốc cán bộ thú y chủ động phối hợp với thú y thôn, bản trực tiếp hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của huyện. Cùng với đó, vận động các hộ chăn nuôi hạn chế thả rông gia súc, nhất là trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; hướng dẫn các hộ gia đình cho ăn thêm cám ngô và nước muối để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng đảm bảo gia súc phát triển khỏe mạnh trong mùa đông. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả rông gia súc, nên người chăn nuôi trong xã vẫn phải đối mặt với nhiều thiệt hại trong mùa đông.
Tập quán chăn thả rông gia súc, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại rất dễ gây ra thiệt hại trên đàn trâu, bò
Theo thống kê, mùa đông năm 2017 - 2018, trên địa bàn huyện Nậm Pồ bị thiệt hại gần 250 con trâu, bò do chết rét tập trung ở các xã: Si Pa Phìn; Chà Nưa; Nà Hỳ; Chà Tở; Pa Tần; Nà Bủng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều con gia súc chết vì bệnh trong mùa đông chưa được thống kê đầy đủ.
Trên thực tế, việc triển khai công tác bảo vệ đàn trâu, bò ở một số xã, thôn, bản trên địa bàn xã Si Pa Phìn nói riêng và trên toàn huyện nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do có nơi việc chăn nuôi trâu, bò quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán; nguồn thức ăn chăn nuôi còn phụ thuộc vào chăn thả tự nhiên. Do vậy để giảm thiểu thiệt hại trên đàn gia súc trong mùa đông thì đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở phải đóng vai trò nòng cốt, theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình thực tế trong các đợt rét đậm, rét hại, kịp thời có biện pháp xử lý. Cùng với đó, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, có như vậy mới tránh được tổn thất về đàn trâu, đàn bò trong mùa đông./.