Người giữ hồn Pí ở Ba Chà
Thời gian đăng: 06/09/2017 11:03:45 AM
Pí là một loại nhạc cụ cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, trong nhịp sống hiện đại, người biết chế tạo và thổi loại nhạc cụ này không còn nhiều. Trong cộng đồng người Thái ở Nậm Pồ chỉ còn một người duy nhất biết làm và thổi Pí, đó là Cụ Lường Văn Mín ở bản Nà Khuyết, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ.

Bản Nà Khuyết nằm yên bình bên dòng con suối Nậm Pồ. Đã mấy chục năm nay, nhiều thế hệ người dân trong bản đã quen với tiếng Pí của cụ Mín. Với họ đây là món ăn tinh thần mà ở Nậm Pồ chỉ có người dân ở bản Nà Khuyết mới được thưởng thức hàng ngày. Đó là nhờ có Cụ Mín. Năm nay cụ đã 107 tuổi và đã có thâm niên thổi Pí được 92 năm. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Ba Chà, mang trong mình niềm tự hào là người con của dân tộc Thái, cụ Mín đã sớm yêu thích nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, cụ đặc biệt đam mê thổi Pí. Pí là một loại nhạc cụ thuộc bộ hơi gồm có 2 loại: “Pí một” được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh; còn “Pí pặp” dùng trong các dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ. “Pí pặp” có thể kết hợp với 2 loại nhạc cụ khác của dân tộc Thái là: tính tẩu và “si sa lo” để hòa âm tạo nên những giai điệu nhịp nhàng cho chị em phụ nữ múa xòe, múa khăn. Cụ Lường Văn Mín cho biết: Từ ngày xưa tiếng Pí đã thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người Thái và sử dụng Pí để tạo ra niềm vui, tiếng cười. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng đều thích nghe tiếng Pí cả. Thanh niên ngày xưa cũng thổi Pí đi tán gái, và các dịp lễ tết hay đám cưới cũng sử dụng đến Pí. Đây là truyền thống từ cha ông để lại rồi.

111.jpg

Mỗi ngày cụ đều ngồi thổi Pí dù đã 107 tuổi

Để làm được Pí, trước tiên cần phải chọn đoạn nứa nhỏ cỡ ngón tay út, thường là chọn những đoạn ngọn của cành nứa đem về để khô cho đến hết độ đàn hồi sau đó mới chế tác. “Pí một” chỉ gồm một ống, còn “pí pặp” gồm 2 ống có kích thước bằng nhau. Trên thân Pí đục thành 5 lỗ tượng trưng cho 5 âm điệu, còn một lỗ ở mặt sau để phát ra âm thanh. Làm Pí đòi hỏi cần phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là làm phần lưỡi gà bộ phận quan trọng để tạo raâm thanh. Cụ Mín cho hay:Phần lưỡi gà này gồm 2 chất liệu, làm từ đồng thau và bạc với tỷ lệ bạc 30, đồng 70. Từ ngày xưa ông đã gom những hộp xì gà của Nga để làm phần lưỡi gà này. Mình phải dát thật mỏng, thật đều thì âm thanh phát ra mới hay được.

222.jpg

Cụ Mín vẫn miệt mài làm Pí

          Hơn 92 năm qua, không chỉ miệt mài làm Pí và thổi Pí mà cụ Mín còn từng là nghệ sỹ trên rất nhiều sân khấu từ các hoạt động văn hóa văn nghệ trong bản, đến trong vùng. Nhiều năm trở lại đây, phát huy tinh thần nghị quyết trung ương 5 khóa 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sác dân tộc”, nhiều huyện thị trong tỉnh và cả những hội diễn nghệ thuật quần chúng lớn của Tỉnh đều mời cụ Mín đi lưu diễn. Cụ Mín tâm sự: đi diễn nhiều nơi là điều cụ mong muốn, bởi đó cũng chính là dịp quảng bá âm thanh độc đáo từ tiếng Pí đến nhiều người. Qua đó cụ cũng mong muốn thu nhận nhiều học trò để cùng giữ gìn nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Thế nhưng trong nhịp sống hiện đại ngày nay, cùng với sự ảnh hưởng của nhiều loại hình văn hóa, giới trẻ đang ngày càng quay lưng lại với nhạc cụ dân tộc. Ngay cả những người dân trong bản Nà Khuyết cũng rất ít người theo học nhạc cụ này, có một số ít thì cũng chỉ biết vài điệu nhạc, chứ không thông thạo. Con trai cụ Mín, ông Lường Văn Phin cho biết: Bản thân tôi cũng rất muốn lưu giữ lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc minh. Từ thủa nhỏ tôi đã nghe bố thổi Pí hàng ngày và cũng đã theo học. Nhưng phải nói rằng loại nhạc cụ này rất khó học. Hiện nay tôi mới học được vài điệu thôi, chưa thông thạo lắm. Còn anh Lường Văn Điệu, trưởng bản Nà Khuyết cho hay: Nghe tiếng Pí thì mình cũng thích lắm, nhưng để học thì mình cũng không có thời gian, bởi còn bận rộn với việc nhà nông. Qua những chia sẻ này, cho thấy: Pí – nhạc cụ cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái đang đứng trước nguy cơ bị mai một. 

333.jpg

Cụ Mín từng tham gia nhiều hội diễn với mong muốn quảng bá nhạc cụ dân tộc

          Dù chưa được phong là nghệ nhân, nhưng với cộng đồng người Thái Nậm Pồ, cụ Mín chính là nghệ nhân của dân tộc, người đã cả đời lưu giữ nhạc cụ độc đáo của dân tộc Thái. Đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng cụ vẫn còn nhiệt huyết với những làn điệu dân tộc qua âm thanh lúc trầm, lúc bổng của tiếng Pí. Như mong muốn lớn nhất của cụ là có nhiều học trò biết thổi Pí để giữ được cái hồn, cái nét văn hóa từ cha ông để lại, những thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái hãy giữ lấy nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.

Thanh Bình
Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên