Nhân dịp trung thu cùng tìm hiểu về luật trẻ em
Thời gian đăng: 07/08/2018 05:23:43 PM

 

 

Ngày 1/6/2017, Luật trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực, đề cao tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên nhiều lĩnh vực.Luậtgồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều). Để Luật đi sâu vào đời sống, rất cần mọi người thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng vào thực tế, cụ thể:

88image001.jpg

Khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật

Trẻ em được quy định là người dưới 16 tuổi bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam. Luật quy định trẻ em có 25 nhóm quyền (từ điều 12 đến điều 36 của Luật). Đáng chú ý, một trong những quyền được quy định trong Luật trẻ em là quyền bí mật đời sống riêng tư. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (quy định cụ thể trong Nghị Định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em).

Khi không còn cha mẹ, không được hoặc không thể sống cùng cha mẹ đẻ, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang, trẻ em có quyền được chăm sóc thay thế vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Để chống xâm hại tình dục trẻ em, luật quy định rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục dưới mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc bao gồm cả sự xâm phạm tình dục.

Không bị giới hạn bởi độ tuổi, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em. Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.

Trẻ em được quyền tự do phát biểu những quan điểm của mình về mọi vấn đề tác động đến trẻ em, và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em phù hợp với công ước về quyền trẻ em.

Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

88image002.gif

Lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện

Bên cạnh đó, 11 khái niệm được giải thích rõ, đặc biệt là các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em,v.v...

Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bổ sung mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Những hành vi bị nghiêm cấm như: tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm,…

Bên cạnh các quyền, trẻ em cần thực hiện bổn phận của mình với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em, được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Sắp đến trung thu 2018, mỗi người hãy dành một chút thời gian xem lại các điều của Luật trẻ em để cùng nhau chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em./.

 

BAN BIÊN TẬP  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên