Nhảy lửa - Nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ Huổi Sâu
Thời gian đăng: 27/01/2020 08:57:46 AM

 

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp bản làng của người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ lại rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hò reo, cổ vũ của người xem, dường như có một nguồn năng lượng nào đó thôi thúc những thanh niên với đôi chân trần nhảy vào đống lửa đang rực cháy.   

38image001.jpg 

Sau khi thực hiện phần bới lửa, mọi người đứng nghỉ bên một góc chờ thực hiện các phần lễ còn lại

Người Dao đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống tổ tiên được lưu truyền với những nét độc đáo rất riêng của dân tộc. Bắt đầu từ ngày 28 Tết, khắp bản trên, bản dưới, đồng bào dân tộc đã bắt tay dọn dẹp vệ sinh bản làng, mổ lợn, gà trống thiến và làm bánh nếp. Tết nhảy lửa được mỗi dòng họ 3 năm tổ chức một lần hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào điều kiện của từng họ, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, ngày càng làm ăn phát đạt. Ông Chảo Siểng Tá, Thầy cúng Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần cho biết: Hằng năm, theo từng dòng họ, dòng họ nào làm ăn phát đạt và có điều kiện thì mỗi năm làm một lần. Làm lễ này quan trọng nhất phần cúng bàn vương, cầu bàn vương mời các thần linh, tổ tiên xuống để yểm hộ cho người thực hiện nhảy lửa không bị bỏng chân tay.

 38image002.jpg

Thầy cúng làm lễ kêu gọi các thần linh, tổ tiên về thực hiện nhảy lửa

Tết nhảy lửa được tổ chức trong ngày mùng 1 Tết, tại nhà trưởng họ, các thành viên trong họ đều tấp nập giúp trưởng họ chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật phẩm để làm lễ dâng cúng cho buổi lễ. Ngay từ sáng sớm, con cháu trong họ đi hái hoa rừng, nữ thì hái hoa màu trắng, nam thì hái hoa màu đỏ hoặc màu vàng. Chọn giờ lành, con cháu trong họ cúng lậy tổ tiên theo sự hướng dẫn của già làng. Buổi chiều, cả họ tập trung bày cỗ, lập đàn cúng chuẩn bị cho các nghi thức nhảy lửa. Tham gia nghi lễ là những nam thanh niên, thực hiện 14 điệu múa nghi lễ theo sự hướng dẫn của thầy cúng.

 38image003.jpg

Đội đánh trống, chiêng

Khai lễ, được thực hiện bằng các điệu múa như múa: Đưa đường, dẫn đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Các điệu múa chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao; phần chính được bắt đầu từ lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh với các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng.

38image004.jpg 

Người thanh niên nhảy vào đống lửa đang cháy rực đỏ để bốc than ném lên mà chân tay không bị bỏng

Trước khi thực hiện nhảy lửa, chúng tôi được thầy mo yểm vào, cảm giác mơ màng, như đang mộc du, chân tay run run rồi tự nhiên nhảy vào đống lửa bốc than trong đống lửa đang cháy. Sau khi bốc được than ném lên thì người lại tỉnh táo trở lại bình thường - Chia sẻ của anh Chảo San Phin, Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, một người tham gia nhảy lửa.

Ông Chảo Kiềm Phin Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần cho biết thêm: Để tham gia tết nhảy lửa phải là nam giới từ 18 -60 tuổi, có sức khỏe tốt. Trước khi đi tham gia nhảy lửa phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt trước hôm đó không được gần gũi phụ nữ…

38image005.jpg 

Phần lễ cắt tiết gà tế tổ tiên

Các điệu múa vừa kỳ ảo, vừa tưng bừng, độc đáo và mang tính hình tượng cao. Đây là một trong những nghi lễ văn hóa đặc sắc không thể thiếu của đồng bào dân tộc người Dao đỏ trong những ngày đất trời vào xuân./.

        

 

 

  Mắn On
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên