Giữa ngọn đồi trùng điệp và thanh vắng trên dãy núi Ham Xoong (xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ), thời gian gần đây xuất hiện một khu chợ phiên do bà con xã Vàng Đán và một số xã lân cận về đây tụ họp. Là chợ tự phát, được bà con đặt tên là chợ phiên Ham Xoong. Tuy chỉ họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần và nằm trên con đường độc đạo, gập ghềnh đá sỏi giữa xã Vàng Đán và xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), nhưng chợ phiên Ham Xoong thu hút nhiều người dân, du khách thập phương tới vãn chợ và mua bán nông sản địa phương.
Chợ phiên Ham Xoong nhộn nhịp vào sáng chủ nhật hàng tuần
Có mặt tại chợ phiên Ham Xoong, chúng tôi bị thu hút và ấn tượng bởi không khí đông vui, huyên náo của các hoạt động mua bán, giao lưu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực. Tuy mới họp nhưng chợ phiên Ham Xoong lại có những dãy hàng quán được bà con dựng thẳng hàng, ngay ngắn trên nền đất đồi đã san ủi bằng phẳng. Điều này cho thấy sự đầu tư quy mô, có tính chất lâu dài của bà con. Dẫn chúng tôi tham quan chợ, ông Chảo A Páo chủ tịch UBND xã Vàng Đán, chia sẻ: “Chợ phiên Ham Xoong họp manh mún, tự phát tại khu vực này từ đầu năm và bắt đầu đông đúc khoảng 5 tháng trở lại đây. Ban đầu, chợ chủ yếu do người dân tộc Mông xã Vàng Đán tới buôn bán, sau dần thu hút thêm bà con người Thái, Xạ Phang, Dao đỏ... từ xã Vàng Đán và các xã: Nà Bủng, Nà Hỳ, Nà Khoa... tới họp chợ. Chính quyền xã chúng tôi thấy việc họp chợ của bà con là dấu hiệu tốt đối với phát triển kinh tế địa phương, kích cầu hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, nông sản để tăng thêm thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, ngay khi bà con bắt đầu họp chợ đông đúc, chúng tôi đã huy động lực lượng chức năng tới đây trông coi, bảo vệ để bà con yên tâm họp chợ”.
Gian hàng bánh rán, quần bà Tẩn Mỹ Dao đến từ xã Nà Hỳ
Các mặt hàng bày bán ở chợ phiên Ham Xoong đa phần là nông sản địa phương, như: Măng đắng, măng khô, rau cải mèo, cải ngọt, rau đắng, lá chua, ngô, khoai, bí đỏ, gạo nương... và các loại gia cầm. Ngoài ra, một số bà con còn bán trang sức dân tộc, hoa quả vườn đồi, rượu tự nấu, xôi, bánh sắn và phở... phục vụ nhu cầu khách tới mua sắm, ăn uống. Tại gian hàng bán phở của gia đình anh Giàng A Cáo (bản Ham Xoong 1), chúng tôi lần đầu tiên được thưởng thức món phở do người Mông xã Vàng Đán tự làm. Bánh phở được anh Cáo làm bằng gạo tẻ trồng trên nương, giã tay và thái dày. Khi chan nước xáo, mùi vị thơm bùi, ngọt dẻo của bánh phở khiến người ăn cảm thấy lạ miệng và dễ ăn. Chính vì vậy, nhiều du khách và bà con tới chợ đã phải chờ đợi khá lâu để được thưởng thức món phở của anh Cáo.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Cáo vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi là người Mông gốc ở tỉnh Lào Cai, đến sinh sống ở bản Ham Xoong 1 đã nhiều thập kỷ. Ở quê cũ chúng tôi có làm phở gia truyền để bán, nhưng về đây đã thất truyền. Đến nay khi họp chợ phiên, tôi mới có dịp làm lại món phở truyền thống của gia đình. Thấy mọi người thích ăn, tôi vui lắm, mong chợ phiên họp ngày càng đông vui để chúng tôi được buôn bán lâu dài”.
Gian hàng phở gia truyền của anh Giàng A Cáo đông nghịt khách vào ngày chợ phiên
Cũng từ khi chợ phiên hoạt động, chị Mùa Thị Mỷ (bản Huổi Khương, xã Vàng Đán) mới có cơ hội đem rượu Mông pê tự nấu về chợ bán. Chị Mỷ bảo: “Lâu nay, tôi nấu rượu chủ yếu để gia đình, họ hàng uống thôi. Từ khi có chợ phiên, bà con trong bản rủ tôi đem rượu xuống bán. Tôi bán thử mấy phiên chợ thấy nhiều người thích mua nên tôi đã nấu nhiều rượu hơn để bán. Mỗi phiên chợ cũng bán được vài trăm nghìn, là số tiền có ý nghĩa với hộ nghèo như gia đình tôi, giúp cải thiện bữa ăn cho 6 khẩu trong nhà. Từ nay, ngoài nấu rượu, tôi sẽ trồng thêm rau, kiếm thêm măng rừng đem bán để có thêm thu nhập”.
Giữa buổi sáng là thời điểm đông đúc, náo nhiệt nhất của chợ phiên Ham Xoong với khoảng 300 - 400 người tụ họp về chợ. Không khí trao đổi, mua bán hàng hóa rộn ràng, náo nhiệt, hòa lẫn với sắc màu trang phục dân tộc tạo nên bức tranh chợ phiên vùng cao tươi mới, xua tan vẻ ảm đạm nơi bản nghèo vùng cao.
Từ khi có chợ phiên, chủ nhật hàng tuần anh Sùng A Lử ở bản Ham Xoong lại trở thành ba toa bán thịt lợn
Ngoài mua bán nông sản, ăn uống, chợ phiên Ham Xoong cũng là nơi bà con dân tộc vùng cao giao lưu văn nghệ. Có người xuống chợ mang theo chiếc loa to, mở những bài hát dân tộc Mông, âm thanh bài hát vang lên ở một góc chợ, vọng xuống lòng thung như mời gọi mọi người tới chợ phiên; vài người khác thì đem theo khèn trúc, khèn lá hòa âm theo tiếng hát của loa; rồi họ cầm khèn nhảy múa giữa chợ, thu hút nhiều bà con theo dõi và vỗ tay theo nhịp.
Gian hàng trang phục của dân tộc H’Mông trưng bày, bán tại chợ phiên
Do mới đi vào hoạt động, chợ phiên Ham Xoong vẫn chưa có sự tổ chức, quản lý và cấp phép của chính quyền địa phương. “ Hiện nay chính quyền xã Vàng Đán cũng đã làm văn bản báo cáo, xin phép huyện về việc cho tổ chức, quản lý chợ, để các hoạt động của bà con tại chợ phiên được quy củ, đảm bảo và lâu dài hơn” – Chủ tịch UBND xã Vàng Đán Chảo A Páo cho biết thêm./.