Khắc phục nhiều khó khăn từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, gặp rào cản về ngôn ngữ, cũng như những trở ngại về giao thông…, nhiều phụ nữ dân tộc ở huyện miền núi biên giới Nậm Pồ đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội. Đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung.
Trong cộng đồng dân tộc Hoa nói riêng và trong cộng đồng các dân tộc xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ nói chung, chị Giàng Seo Thì, sinh năm 1971, là một người phụ nữ tiêu biểu được các chị em phụ nữ khắp xã, khắp huyện coi là tấm gương để học hỏi và noi theo. Cũng có xuất phát điểm thấp như nhiều vợ chồng khác trong bản, trong vùng, vợ chồng chị Giàng Seo Thì khi bắt tay vào lập nghiệp cũng chỉ với nương lúa, nương ngô, quanh năm lam lũ mà cũng chỉ đủ ăn, không cải thiện được đời sống. Vào năm 2000, được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc, từ ấy chị Giàng Seo Thì cùng chồng quyết tâm theo hướng chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn 5 triệu đồng được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện vợ chồng chị mua được một con trâu nái sinh sản. Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù trong lao động, trải qua 20 năm theo hướng chăn nuôi, thành quả mà gia đình chị đạt được là luôn duy trì tổng đàn gia súc gồm trâu, bò, ngựa gần 100 con, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, với người phụ nữ dân tộc Hoa này, động lực để chị phát triển kinh tế, cũng như kết quả của mỗi sự cố gắng vươn lên thoát khỏi cái đói nghèo là vì các con. Nguồn thu nhập ổn định đã giúp chị nuôi dạy 3 người con trưởng thành đều có việc làm trong xã hội. Chị Giàng Seo Thì chia sẻ: “Vợ chồng mình đã không biết chữ, không đi học đến nơi đến chốn, thì phải cố gắng chăn nuôi phát triển kinh tế lo cho con cái được đi học đàng hoàng. Bây giờ cả 3 người con đều có việc làm ổn định, đó là niềm an ủi, động viên và cũng là niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi.”
Chân dung người phụ nữ Hoa phát triển kinh tế giỏi - chị Giàng Seo Thì, bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ
Gia đình chị Giàng Seo Thì bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ phát triển kinh tế theo hướng chăn thả đàn đại gia súc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Còn với chị Khoàng Thị Nhi, bản Nà Ín, xã Chà Nưa, mặc dù năm nay mới gần 30 tuổi, nhưng chị đã có gần chục năm khởi nghiệp với mô hình kinh tế tổng hợp: vừa chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, vừa kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Trong hoàn cảnh chồng đi công tác xa nhà, là con dâu duy nhất trong gia đình, chị Nhi không chỉ làm tròn bổn phận của người con, chăm lo cho các con học hành mà người phụ nữ này còn không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi để phát triển kinh tế gia đình. Cũng chỉ với số vốn vỏn vẹn 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, chị Nhi đầu tư vào chăn nuôi gia cầm. Dần dần chị mở được cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để tăng thêm thu nhập. Nhờ cần cù, chịu khó, đa dạng với nhiều hình thức phát triển kinh tế, mỗi năm chị thu được hàng trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống. Chị Khoàng Thị Nhi cho biết thêm: “ Mấy năm nay kinh tế gia đình cũng đã ổn định. Dù chồng đi công tác xa nhà, nhưng tôi luôn nỗ lực cố gắng chăm sóc các con và phát triển kinh tế từ chăn nuôi đến buôn bán. Ngoài ra tôi còn lấy thức ăn chăn nuôi về bán nợ cho hội viên phụ nữ trong bản để giúp các chị em phát triển kinh tế, khi nào các chị có thì trả mình.”
Chị Khoàng Thị Nhi phát triển kinh tế tổng hợp từ chăn nuôi gia súc, gia cầm….
…đến kinh doanh tạp hóa ngay tại nhà tăng thêm thu nhập.
Chị Giàng Seo Thì ở Đệ Tinh, Phìn Hồ, hay chị Khoàng Thị Nhi ở Nà Ín, Chà Nưa, chỉ là hai trong số hàng trăm người phụ nữ ở huyện biên giới Nậm Pồ đã và đang khắc phục nhiều khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên chính quê hương mình. Trong nhiều khó khăn chung của một huyện miền núi, biên giới nghèo nhất của cả tỉnh và cả nước, phụ nữ nói riêng và bà con Nhân Dân nói chung thường gặp phải nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế như: Thiếu kinh nghiệm, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi; Thiếu nguồn vốn để phát triển kinh tế. Cùng với đó nơi sinh sống thiếu cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông đi lại cách trở chính đã gây cản trở trong việc giao thương, giao lưu mua bán hàng hóa… Trước thực tế như vậy, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, tạo điều kiện để hội viên vươn lên trong phát triển kinh tế. Chị Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết:“Trước những khó khăn mà hội viên phụ nữ thường gặp phải, chúng tôi đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời tổ chức các đợi giao lưu, học hỏi, tham quan các mô hình kinh tế giỏi để hội viên học tập…”
Với gần 6.600 hội viên phụ nữ trên toàn huyện, từ sự nỗ lực của mỗi hội viên, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy đảng mà trực tiếp mà Hội LHPH huyện Nậm Pồ, hiện nay toàn huyện có nhiều gương phụ nữ phát triển kinh tế giỏi. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015 - 2020, qua các phong trào thi đua yêu nước các cấp hội triển khai, trên toàn huyện có gần 1.700 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 85 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Cùng với sự phát triển của xã hội, những người phụ nữ dân tộc trên huyện biên giới Nậm Pồ đã và đang tự tin, tự lực, tự cường vươn lên phát triển về mọi mặt, trau dồi về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, góp sức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp./.