Trong cái se lạnh của đợt rét ngọt đầu đông vẫn còn vấn vương những tia nắng ấm áp, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ đón tết cổ truyền trong sắc đỏ của hoa mào gà, (hay còn gọi là tết hoa) với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn nghệ, thể thao sôi nổi mang đậm bản sắc dân tộc.
Đường về bản Lả Chà đã được bê tông hóa
Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, dân tộc Cống chỉ có 1 bản duy nhất là bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ với 69 hộ và 347 nhân khẩu. Cũng như các dân tộc anh em khác trên địa bàn, tộc người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước, ruộng bậc thang, một năm một vụ chính; ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tết, lễ và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội như: Tết hoa, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ cưới, Lễ lên nhà mới, Lễ lên lão, Lễ tạ ơn Ngọc Hoàng.... Trong đó Tết hoa là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống và cũng có nghĩa là kết thúc một năm cũ, đón chào năm mới. Người Cống coi đời sống tâm linh là hết sức thiêng liêng, niềm tin về cõi thiêng đó không bao giờ tắt. Họ luôn tin rằng bên cạnh sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống mưu sinh, các thần linh, tổ tiên luôn đồng hành để tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua thử thách và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống; các nghi lễ diễn ra trong Tết hoa ngoài yếu tố thiêng liêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian nên cuốn hút cả cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới. Tết hoa được tổ chức vào những ngày 6, 16, 26 tháng 10,11 âm lịchhàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, công việc nương rẫy tạm gác lại để chuẩn bị đón mừng năm mới.
Đón tết cổ truyền trang trọng với sự hiện diện của đại biểu tỉnh, huyện, xã
Với người Cống, tết cổ truyền của dân tộc chính là “Mển loóng phạt ái”, được hiểu là tết hoa. “Mển loóng” nghĩa là hoa mào gà, loài hoa biểu trưng cho dân tộc có màu sắc rực rỡ và sức sống mãnh liệt. “Phạt ái” được hiểu là Tết cổ truyền. Gọi là tết hoa vì trong ngày tết cổ truyền của người Cống không thể thiếu sắc đỏ của hoa mào gà. Đây là loài hoa biểu trưng của dân tộc, loài hoa có sức sống bền bỉ và mang màu đỏ may mắn. Theo như Ông Mào Văn Kẻo, một người có uy tín trong bản cho biết: Thủa xa xưa, người Cống không biết làm ruộng nước, chỉ làm nương thôi. Và khi tra hạt lúa nương người Cống gieo luôn hạt hoa mào gà. Sắc đỏ hoa mào gà luôn đỏ rực trên những nương lúa, nương ngô của người cống như một sự thỉnh cầu của bà con dân bản gửi tới đất trời, thần linh làm cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa tốt tươi. Khi chưa thu hoạch nông sản, thì người cống không hái hoa mào gà về nhà. Hoa mào gà chỉ được hái khi đã thu hoạch xong nông sản và hái về để thờ cúng tổ tiên trong ngày tết cổ truyền.
Lớp trẻ người Cống đi hái hoa về thờ tết
Trang trí cây hoa để làm lễ cúng bản
Tết hoa gồm 2 phần chính: phần nghi lễ và phần hội. Trong phần nghilễ, các gia đình tự chuẩn bị lễ vật có thể là lợn hoặc gà tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà, nhưng không thể thiếu các loại nông sản như: ngô, bí, khoai, gừng,... để sắp mâm cúng tổ tiên. Sau khi mỗi gia đình đã cúng gia tiên xong thì đóng góp vật phẩm để làm lễ cúng chung của cả bản. Hai nghi lễ này mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi đem lại cho dân bản một cuộc sống ấm no. Đồng thời qua nghi lễ cũng là dịp để cầu cho một năm mới may mắn, an lành, vụ mùa tốt tươi. Cầu cho mọi người mọi nhà có sức khỏe để phát triển kinh tế.
Cúng tại gia đình cảm ơn tổ tiên và cầu sức khỏe cho các thành viên
Lễ cúng bản do thầy mo chủ trì. Đó là người am hiểu về các nghi lễ, luật tục của dân tộc. Nghi lễ này diễn ra ban ngày, tại một khoảng sân rộng, trang trọng trước sự chứng kiến của toàn thể nhân dân trong bản. Thầy mo sẽ mời gọi các vị thần linh là chủ của bản, của mường, chủ của con sông, con suối, chủ nương, chủ ruộng...về cùng nhân dân trong bản đón Tết. Lễ cúng bản mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã phù hộ cho dân bản có vụ mùa tốt tươi, phát triển sản xuất, chăn nuôi đều thuận lợi. Ở trong bản không có điềm xấu xảy ra, mọi người, mọi nhà đều mạnh khỏe...Cụ Lùng Văn Bắt - người chủ lễ cho biết.
Lễ cúng bản do thầy mo thực hiện
Sau các nghi lễ, người Cống hòa mình vào đất trời thiên nhiên mang niềm vui được mùa gửi vào trong các điệu múa cổ truyền, qua tiếng trống tiếng chiêng để vui chơi ngày tết. Không phân biệt già trẻ gái trai, mỗi người đều nắm lấy tay nhau vui trong từng điệu múa. Người Cống cũng quan niệm, ngày tết là phải vui, phải chơi hết mình thì mới may mắn cho một năm sau. Ngoài ra, Tết hoa cũng là dịp để cộng đồng người Cống bản Lả Chà so tài qua các môn thể thao dân tộc. Nhờ vậy, nên ngày tết rộn ràng, vui tươi hơn.
Điệu múa truyền thống của người Cống
Năm nay, người Cống ở bản Là Chà đón tết cổ truyền trong niềm vui, sự phấn khởi bởi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua nhiều năm thực hiện đề án “ Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”. Nhờ đó mà bản Lả Chà đã có đường bê tông, có điện, có nước sinh hoạt, nhà nào cũng sắm được ti vi, xe máy, trẻ con được đi học trong lớp học khang trang. Các hộ gia đình được hỗ trợ sản xuất, đời sống sinh hoạt qua nhiều chương trình, dự án. Mặc dù trong bản vẫn còn 88% hộ nghèo và cận nghèo, nhưng các cở sở vật chất hạ tầng nói trên sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con nơi đây vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo./.