14/15 xã có người nghiện ma túy
Ma túy là một thảm họa cho những người nghiện cùng gia đình của họ và cho cả cộng đồng, xã hội. Nhiều người mắc nghiện ma túy đã làm cho kinh tế gia đình kiệt quệ, gia đình tan nát, ly tán ... Dù tuyên truyền, giáo dục rất nhiều, ai cũng biets tác hại của ma túy nhưng vẫn còn nhiều người không tỉnh ngộ, không đủ ý chí vượt qua. Theo số liệu của cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ, toàn huyện hiện có 72/132 bản ở 14 xã có người nghiện ma túy, với 526 người nghiện ma túy. Nếu ta làm một phép tính "tằn tiện": một con nghiện mỗi ngày dùng ma túy ít nhất 50 nghìn đồng, thì 526 người nghiện sẽ tiêu hết 26,3 triệu đồng/ngày cho ma túy, và mỗi tháng là 789 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng số tiền những người nghiện mua ma túy để sử dụng trong một năm, Nậm Pồ sẽ mất đi ngót nghét gần 9,5 tỷ đồng, con số này lớn hơn nhiều so với tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện/năm. Với một huyện còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ, đây là con số không hề nhỏ và không dễ chấp nhận, bởi mỗi năm huyện Nậm Pồ phải chi một số tiền không nhỏ cho đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và an ninh trật tự.
Các đối tượng nghiện đốt gần 10 tỷ đồng mỗi năm, nguyên nhân của đói nghèo và mất an ninh trật (ảnh minh họa)
Người nghiện ma túy làm cho họ phải lệ thuộc vào ma túy cả về thể xác lẫn tinh thần, làm cho họ lười biếng, mất khả năng lao động, tính khí hung hăng khác thường, nếu ngưng sử dụng người nghiện sẽ bị đau đớn, vật vã, không thể kiểm soát được hành vi của mình, họ hành động không cần nghĩ tới luân thường đạo lý và làm bất cứ điều gì nhằm mục đích thỏa mãn cơn nghiện, nguy hiểm nhất là dùng ma túy dạng chích, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến HIV/AIDS - căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người nghiện còn làm cho kinh tế gia đình kiệt quệ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái bị bỏ rơi không được chăm sóc chu đáo. Người thân của họ thì mặc cảm, xấu hổ với hàng xóm, láng giềng và bà con thân tộc vì gia đình có người nghiện. Không dừng lại ở đó, ma túy còn làm suy thoái giống nòi, phá vỡ hệ thống xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh, khiến cho an ninh trật tự, quốc phòng bất ổn.
Xã Nà Bủng có 789 hộ thì có đến 192 đối tượng nghiện ma túy
Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của huyện Nậm Pồ đã phát hiện và triệt phá 39 vụ án buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy trái phép, bắt giữ 47 đối tượng, thu giữ 198 viên ma túy tổng hợp, 434,18 gam heroin, 2.736,21 gam thuốc phiện, phá nhổ hơn 20m2 diện tích trồng cây thuốc phiện. Điển hình như chuyên án mang bí số 417-S, ngày 28/4/2017, Đội phòng chống ma túy Công an huyện đã khám phá và bắt khẩn cấp đối tượng Châu A Sú, sinh năm 1978, trú tại bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ tại chỗ là 1 bánh Heroin. Đặc biệt, ngày 07/6/2017, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng Nà Hỳ đã phá thành công truyên án mang bí số 019-L, bắt giữ đối tượng Lò Văn Vưn, sinh năm 1976 và Lò Văn Vừng, sinh năm 1996 cùng trú tại bản Nà Khoa, cụm bản Hô Mức, huyện Mường Mày, tang vật thu giữ là 2 bánh Heroin và 4 nghìn viên ma túy tổng hợp. Do siêu lợi nhuận từ buôn bán ma túy đã làm mờ mắt nhiều người, dù biết có thể lĩnh án chung thân, tử hình, nhưng vì hám lợi họ vẫn bất chấp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ phương thức cất giấu, vận chuyển đến chia lẻ tiêu thụ.
Đối tượng Châu A Sú và tang vật vụ án là 1 bánh Heroin
Hai bố con: Lò Văn Vưn (áo nâu), sinh năm 1976 và Lò Văn Vừng, sinh năm 1996 cùng tang vật vụ án
Tương lai nào cho các em khi có cha hoặc mẹ là người nghiện ma túy
Tệ nạn ma túy và những cái chết về ma túy vẫn đang xảy ra, nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng, nhiều đứa trẻ đang mất hết tương lai khi gia đình họ có người thân u mê bập vào ma túy. Nỗi đau về ma túy là một nỗi đau dai dẳng, kéo dài, nó không chỉ gây tổn thương cho những người đang lầm lỡ, những người nghiện và những người buôn bán, sử dụng ma túy. Họ phải tự chọn: hoặc là tiếp tục cuộc sống cùng ma túy trong bóng tối, hoặc từ bỏ ma túy quay lại cuộc sống bình thường như trước đây họ đã từng sống.
Để làm được điều đó, đòi hỏi trước tiên chính là nhận thức và ý chí quyết tâm của người nghiện, sự chung tay góp sức của gia đình giúp người nghiện xoá bỏ mặc cảm, tránh xa tệ nạn xã hội; sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành tạo môi trường và việc làm ổn định cho người sau cai nghiện. Đây thực sự mới là mấu chốt, cơ hội quyết định giúp người sau cai nghiện hòa nhập và không tái nghiện trở lại, mở ra cánh cửa hy vọng cho những ai lầm lỡ sớm làm lại cuộc đời./.