Nông dân Nà Khoa có thu nhập đáng kể từ trồng sắn
Thời gian đăng: 17/03/2023 05:19:10 PM

          Những năm gần đây, người dân một số xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trống, đồi núi trọc hoặc đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả sang trồng sắncho thu nhập khá.Trong đó, tại xã Nà Khoa, người dân có thêm thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng sau mỗi vụ trồng sắn.

107.jpg

Người dân huyện Nâm Pồ chủ động trồng sắn trên những diện tích đất khó canh tác

          Nà Khoa là một xã vùng cao, có nhiều diện tích đất đồi, đất sản xuất nông nghiệp không chủ động được nước tưới, trồng cây ngô, cây lúa đạt sản lượng thấp. Thấy ở Sơn La, nông dân trồng sắn cao sản trên những diện tích đất đồi phát triển tốt và mang lại hiểu quả kinh tế khá hơn so với các loại cây khác. Năm 2018, nhiều hộ dân tại xã Nà Khoa đã đi học hỏi kinh nghiệm và mua giống Sắn cao sản tại Sơn La về trồng. Sắn cao sản là một loại cây dễ trồng, có đặc điểm là sinh trưởng, phát triển tốt, chịu được khô hạn và cho năng suất cao.  

          Theo người dân trồng sắn tại xã Nà Khoa, trung bình mỗi hộ dân trồng từ 1- 3 quả đồi sắn cao sản, khoảng 1- 3 ha đất. 1ha đất trồng sắn tại xã Nà Khoa cho năng suất từ 25 - 35 tấn/ha tùy đất. Với giá bán đầu mùa là 1,3 triệu đồng/ tấn sắn củ, trừ chi phí, mỗi gia đình trồng sắn thu nhập từ  20 - 30 triệu đồng trên 1ha đất trồng.

108.jpg

Gia đình anh Sùng A Lai đang thu hoạch nương sắn của gia đình

          Anh Sùng A Lai, bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa cho biết:  Gia đình tôi trồng khoảng 1ha sắn trên mảnh đất dốc của gia đình và thu về gần 30 tấn sắn củ. Với giá bán 1,3 triệu/tấn, gia đình tôi thu về gần 38  triệu đồng. Trừ chi phí thuê công chở từ nương ra đường lớn và bốc lên xe tải, vợ chồng tôi lãi 28 triệu đồng.

          Ông Thào A Chinh, trưởng bản Nậm Nhừ Con cho biết: Năm nay hầu như tất cả các hộ dân trong bản chúng tôi đều trồng sắn hết, sắn chặt ra phơi khô được giá hơn từ 4000 - 4,500 đồng/ 1kg nên dân bản chủ yếu làm sắn khô bán, có hộ đã bán ra trên 10 tấn sắn khô thu về gần 50 triệu đồng. Theo tôi thấy thì trồng cây sắn ít công chăm sóc, dễ trồng mà thu nhập cũng khá hơn một số cây nông nghiệp khác.

          Cũng theo ông Chinh:  Từ tháng 3 đến tháng 4 là thời gian làm đất trồng sắn, đến cuối  tháng 12, đầu tháng 1 năm sau là có thể thu hoạch. Loại cây này trồng được ở những nơi có độ dốc cao, đất bạc màu, thời gian thu hoạch dài; phơi khô tích trữ được lâu không bị mối mọt.

          Chị Trần Thị Nga một tiểu thương thu mua sắn tại bản Huổi Đắp, xã Nà Khoa cho biết: Nguồn tiêu thụ sắn chủ yếu là các nhà máy và cơ sở chế biến sắn ở tỉnh Điện Biên và Sơn La và một số nhà máy ở Sơn Tây, thuộc thành phố Hà Nội. Giá thu mua lúc đầu mùa là 1,300đồng/kg sắn củ, giữa tháng 2 vừa rồi, giá sắn tăng lên 1,500đồng/1kg sắn tươi và 4,600đồng/1kg sắn khô. Giá sắn  phụ thuộc nhiều vào giá thị trường và chất lượng sắn của người dân.

109.jpg

Năm nay sắn được giá nên xuất hiện nhiều tiểu thương và các gia đình đứng ra thu mua sắn cho người dân

          Theo ông Sùng A Lềnh, chủ tịch UBND xã Nà Khoa: Cây sắn được người dân trên địa bàn xã chủ động đưa vào trồng và đến nay thì nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập đáng kể từ việc trồng sắn. Trong thời gian tới xã sẽ có kế hoạch triển khai cho người dân trồng sắn trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất dốc không có nước tưới trên địa bàn để tăng sản lượng và giảm thiểu được đất nông nghiệp bị bỏ phí. Ngoài ra người dân cũng cần liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, biết cách đổi công nhau để giảm chi phí trong khâu thu hoạch nông sản.

          Cây sắn cũng có thể được coi là cây giảm nghèo theo thời vụ tại xã Nà Khoa. Để cây sắn phát huy được hiệu quả kinh tế lâu dài, ổn định, ngoài việc đảm bảo được đầu ra ổn định, chính quyền địa phương cần tính đến các biện pháp nhằm cải tạo đất nơi trồng sắn một cách phù hợp để hiệu quả trồng sắn được lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch đất trồng rừng, giữ gìn môi trường sinh thái. Bởi vậy, bà con nông dân chỉ nên trồng sắn ở những nơi đất trống, đồi núi trọc, chuyển đổi những diện tích trồng cây ngô, cây lúa kém hiệu quả, diện tích thường xuyên thiếu nước sang trồng những loại cây trông hiệu quả kinh tế như Sắn, Mắc ca… không khai hoang trồng chọt ở các diện tích rừng đã được quy hoạch và bảo vệ./.

Sùng Dính
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên