Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã mạnh dạn chuyển đổi đất nương bạc màu sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, hộ gia đình anh Lý Sủ Lảnh, người dân tộc Dao ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần là một điển hình.
Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần là nơi sinh sống của gần 100 hộ gia đình người dân tộc Dao. Được sự quan tâm, đầu tư của nhiều chương trình, dự án khác nhau, hệ thống cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đồi quýt chín vàng của hộ gia đình anh Lý Sủ Lảnh, người dân tộc Dao ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần
Dẫn chúng tôi đến thăm đồi quýt của gia đình, những ngày này, gia đình anh Lý Sủ Lảnh đang bận rộn thu hoạch quýt để kịp chuyển đến đơn đặt hàng cho đám cưới trong bản. Dọc theo sườn nương cũ, không khó để thấy những gốc quýt trĩu quả. Đúng như lời giới thiệu của người dân, mặc dù là vụ quả mới cho thu hoạch nhưng những trái quýt ở đây cho quả tròn, ngọt, mọng nước. Anh Lý Sủ Lảnh cho biết: “Gia đình tôi có 250 gốc quýt đường trồng từ năm 2019, năm trước cho thu hoạch vụ đầu tiên; giá bán trung bình từ 20-25.000 đồng/kg; vụ năm nay nếu hái hết có thể đạt khoảng 5 tạ”.
Anh Lý Sủ Lảnh giới thiệu về đồi quýt của mình
Những trái quýt cho quả tròn, ngọt,..
… được người dân trong xã tìm mua
Trước đây, trên diện tích đất canh tác của gia đình anh Lý Sủ Lảnh chủ yếu trồng ngô, sắn,… nhưng hiệu quả đem lại thấp, sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, đất bạc màu do không có kinh phí để bổ sung dinh dưỡng cho đất, nên năng suất không ổn định; có năm được mùa, nhưng cũng không ít năm mất mùa. Theo chia sẻ của anh Lảnh, từ năm 2019 qua tìm hiểu trên internet, anh nhận thấy giống quýt đường ngoài thị trường có giá bán cao, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu. Giống chỉ mua một lần và sử dụng lâu dài. Chính vì vậy, đối với gia đình anh đây không chỉ là sinh kế mới, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hộ lâu dài giúp nâng cao thu nhập cho gia đình bền vững. Qua giới thiệu của người quen, anh đã tìm về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội để mua 250 gốc cây quýt giống, cùng với việc đầu tư hệ thống nước tươi và công chăm sóc với giá 30 triệu đồng. Với 250 gốc quýt được mua từ Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm trên sườn đồi nương ngô cũ của gia đình. Không phụ công chăm sóc, sau 2 năm trồng, quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên. Năm nay, năng suất quýt cao hơn vụ đầu, quả mọng, tròn và ngọt hơn nên được người dân trong bản, xã tìm đến mua chủ yếu phục vụ đám cưới, đám hỏi, dự kiến vụ năm nay cho thu hoạch gần 5 tạ quýt đường. Sau khi trừ chi phí chăm sóc mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.
Nhận thấy đồi quýt của hộ gia đình anh Lảnh phát triển tốt, trong bản còn có 02 hộ gia đình học hỏi theo anh Lảnh mạnh dạn trồng thử nghiệm với trên 100 gốc quýt, hiện cây phát triển tốt. Trong thời gian tới, nếu đồi quýt tiếp tục cho thu hoạch khá thì gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng.
Mô hình trồng quýt đường của hộ gia đình anh Lý Sủ Lảnh ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần bước đầu đã cho thấy cách làm hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đặc biệt là đối với những diện tích nương nghèo, nương bạc màu qua bao đời độc canh lúa nương. Cùng với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vốn đầu tư thấp, không tốn quá nhiều công chăm sóc, cây quýt có nhiều lợi thế để trở thành cây trồng thế mạnh, cây trồng mũi nhọn nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ gia đình. Nếu được hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định, tin rằng, đời sống của hộ gia đình anh Lý Sủ Lảnh ở bản Huổi Sâu nói riêng và bà con nhân dân xã Pa Tần nói chung chắc chắn sẽ được cải thiện, được nâng lên nhờ trồng quýt đường./.