Là một trong những xã trọng điểm của huyện Nậm Pồ về chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đại gia súc, Ðảng bộ xã Phìn Hồ đã đưa phát triển chăn nuôi vào nghị quyết hàng năm, tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phìn Hồ là địa phương có lợi thế tự nhiên là đồi cỏ để chăn thả gia súc
Nhằm đưa chăn nuôi trở thành hình thức sản xuất chính trong nông nghiệp, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Bước vào nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 04-NQ/HU vẫn là hướng đi quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Với tiềm năng sẵn có, Phìn Hồ là một trong những xã được huyện Nậm Pồ lựa chọn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc. Bí thư Ðảng ủy xã Phìn Hồ, ông Hạng A Sáng cho biết: Phìn Hồ có tổng diện tích tự nhiên gần 1.500ha với nhiều đồi, núi thấp lại có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, được đánh giá là địa phương phù hợp với phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc. Vậy nên, Ðảng bộ xã phấn đấu đưa chăn nuôi gia súc trở thành hoạt động chính trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương và cụ thể hóa nội dung này vào Nghị quyết hàng năm để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Ðảng bộ xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, triển khai quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, chỉ đạo UBND xã có những chính sách tuyên truyền vận động, khuyến khích, hỗ trợ để sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn. Thực tế những năm qua cho thấy, chăn nuôi gia súc luôn chiếm một ưu thế lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có tính phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội của người dân và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Ðàn trâu, bò trên địa bàn xã những năm qua có chiều hướng chuyển biến tốt. Từ gần 2.000 con năm 2014 đến cuối năm 2020 xã đã có gần 2.800 con trâu, bò. Ðảng bộ xã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 đàn trâu, bò của xã sẽ tăng thêm khoảng 200 con.
Ðể tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, năm 2020, Ðảng ủy xã Phìn Hồ đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã xây dựng Ðề án Chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ kết hợp thả trại trên địa bàn xã năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025. Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ Lèng Văn Minh cho biết: Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn có sự phát triển tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống, chăn thả phân tán, quy mô nhỏ. 100% thả rông nên hiệu quả còn thấp, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, công tác thú y, bảo vệ môi trường… Nhiều hộ đã xây dựng chuồng trại nhưng vẫn chưa đảm bảo kỹ thuật. Do đó, hiệu quả kinh tế đã có nhưng vẫn chưa cao. Với Ðề án này, xã tập trung khai thác và phát huy tốt ưu thế vùng gò đồi vào trồng cỏ chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng được 30ha cỏ. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ thả rông sang nuôi nhốt, từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi hàng hóa. Cùng với nguồn lao động dồi dào tại địa phương sẽ sớm hình thành vùng chăn nuôi trâu bò tập trung. Xã phấn đấu đến năm 2025 phát triển 15 - 20 mô hình gia trại chăn nuôi có áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi bền vững, sạch, có hiệu quả kinh tế với quy mô đàn từ 7 - 20 con.
Là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi trồng trọt kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc từ nhiều năm trước, gia đình ông Hồ Chử Vàng, bản Ðề Tinh II, xã Phìn Hồ nay đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, gia đình ông còn là một trong những hộ đầu tiên gây dựng mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung trên địa bàn xã. Ông Hồ Chử Vàng chia sẻ: Khu nhà tôi ở chủ yếu là đồi cỏ gianh nên hoa màu trồng kém hiệu quả, thu nhập không đủ ăn. Vì vậy, từ năm 2004 gia đình tôi bắt đầu chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò với số lượng ít và chủ yếu dựa vào nguồn cỏ tự nhiên. Nhưng mấy năm gần đây gia đình tôi nhận thấy những bất cập của việc chăn thả tự nhiên nên chuyển sang xây dựng chuồng trại, trồng khoảng 1.000m2 cỏ để chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt. Hiện nay gia đình tôi có gần 40 con bò, 20 con trâu. Phát triển chăn nuôi theo hình thức này có thể theo dõi sự phát triển của đàn, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lây lan nếu có dịch bệnh xảy ra; đồng thời, có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi, tận dụng nguồn phân chuồng để quay lại phục vụ trồng trọt… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Ở bản Ðề Tinh II hiện nay nhà nào cũng nuôi ít nhất 2 con trâu, bò để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình./.