Trong những năm qua, các chị em hội viên phụ nữ ở xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ luôn phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó, hàng ngày các mẹ, các chị vẫn cần mẫn, lẵng lẽ lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống trong từng bộ trang phục cổ truyền của dân tộc mình.
Như bao xã khác của huyện vùng cao miền núi Nậm Pồ, xã Phìn Hồ là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 63%, dân tộc Xạ Phang chiếm gần 20%, còn lại là các dân tộc khác. Hòa cũng dòng chảy của thời gian, cùng với những tấp nập của cuộc sống lao động thường ngày và nhiều ảnh hưởng từ thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng đồng bào dân tộc Mông nơi đây, mà trực tiếp là các chị em phụ nữ, vẫn luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để tự tay thêu thùa, may vá hoàn thiện những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Đến bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ khi bà con nhân dân vừa bội thu một vụ lúa mùa, trong niềm vui được mùa ấy, các mẹ, các chị lại ngồi râm ran chuyện trò với nhau và cùng nhau hoàn thiện những bộ váy áo mới chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền sắp tới. Phụ nữ đồng bào dân tộc Mông quan niệm rằng: tự tay may vá 1 bộ trang phục truyền thống cũng chính là 1 trong những công việc thường xuyên trong năm của người phụ nữ dân tộc Mông. Đây là một trong những tiêu chí xây dựng nên hình ảnh một người phụ nữ dân tộc Mông đảm đang, khéo léo. Chị Hờ Thị Cở, Chi hội trưởng hội phụ nữ bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ cho biết:“ Đối với phụ nữ người mông chúng tôi, việc thêu thùa may vá trang phục là việc thường xuyên đấy. Thế nên khi đi nương, đi ruộng chúng tôi vẫn mang theo kim chỉ, vải vóc, cứ rảnh rỗi là mình bỏ ra để thêu luôn. Mỗi năm thì phụ nữ bản chúng tôi mỗi người đều tự tay làm từ 4 đến 5 bộ trang phục mới cho mình và cho các thành viên trong gia đình. Cứ ngày lễ tết, đám cưới thì ai cũng diện đồ mới, trang phục càng đẹp bao nhiêu thì càng thể hiện được mình khéo léo, đảm đang bấy nhiêu”.
Phụ nữ chi hội bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ tranh thủ thời gian nông nhàn thêu, may trang phục truyền thống
Trong số rất nhiều trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, thì trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông được xếp vào tốp cầu kỳ nhất. Bởi phải tốn khá nhiều thời gian để thêu các hoa văn trên trang phục. Mỗi họa tiết, mỗi hoa văn trên váy áo đều do sự khéo léo, và trí tưởng tượng của người phụ nữ tự khắc họa. Đó có thể là các hình họa tiết tượng trưng cỏ cây hoa lá; ruộng bậc thang; mặt trời hoặc có thể là những họa tiết tượng hình cho một vị thần linh thiêng nào đó trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông. Bà Vừ Thị Chía, người thêu đẹp nhất bản Bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ chia sẻ: “Các họa tiết trang trí trên váy áo đều là do mình tự vẽ, tự thêu, mình thích hình gì thì tự thêu hình đó, thêu nhiều thành quen tay, và sẽ tự sáng tạo ra nhiều loại họa tiết khác nhau. Thông thường chúng tôi thường thêu các hoa văn bằng những sợi chỉ màu sặc sỡ, như vậy mới đẹp và bắt mắt. Người Mông cũng thích màu sắc rực rỡ, vì nó tượng trưng cho sự may mắn”
Ở huyện Nậm Pồ, chỉ riêng xã Phìn Hồ có dân tộc Xạ Phang sinh sống. Trang phục của người Xạ Phang nhìn sơ qua khá đơn giản, nhưng lại vô cùng nổi bật bởi các gam màu tươi sáng. Nếu có dịp về vui xuân ở Phìn Hồ, trong không gian xuân rực rỡ sắc màu nhờ các bộ váy áo của các mẹ, các chị, chắc chắn, du khách sẽ rất ấn tượng với trang phục của chị em phụ nữ dân tộc Xạ Phang. Chị em phụ nữ dân tộc Xạ Phang luôn sống đoàn kết, chan hòa, họ không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà mỗi hội viên phụ nữ người Xạ Phang luôn có ý thức giữ gìn trang phục truyền thống như một lời nhắc nhở về nguồn cội. Hàng năm, khi thóc đã chất đầy nhà, ngô đã hong đủ nắng, thì tại nhà chị Ngải Lao Mể, Chi hội trưởng Hội phụ nữ bản Đệ Tinh 2, các mẹ, các chị lại cùng nhau hoàn thiện những bộ trang phục truyền thống rực rỡ và bắt mắt.Chị Ngải Lao Mể, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ cho biết: “Hàng năm, cứ thu ngô, thu lúa xong là chị em chúng tôi thường tụ họp lại cùng nhau thêu thùa, may vá. Đã thành thông lệ rồi, người thêu giỏi dạy lại cho người mới biết thêu. Nên chị em trong chi hội chúng tôi ai nấy đều tự biết thêu, may trang phục truyền thống. Chi hội chúng tôi cũng đưa ra mục tiêu là xây dựng hình ảnh người phụ nữ dân tộc Xạ Phang ngày càng hiện đại văn minh, vừa có thể tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống lại vừa là người vợ, người mẹ đảm đang”.
Chi Hội phụ nữ bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ trao đổi kinh nghiệm thêu hoa văn trên trang phục truyền thống
Phìn Hồ được ví như một cái nôi bảo tồn tốt nhất văn hóa các dân tộc của huyện miền núi biên giới Nậm Pồ. Nơi đây lưu giữu bản sắc văn hóa bằng nhiều hình thức: qua các hoạt động văn hóa văn nghệ hàng năm; qua những phong tục tập quán và qua các lễ hội... Và xã Phìn Hồ cũng là một địa phương của huyện biên giới Nậm Pồ có hội xuân hàng năm được tổ chức với quy mô hoành tráng nhất bằng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao dân tộc. Nó trở thành một bảo tàng sống lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn. Và trực tiếp giữ gìn và phát huy một phần trong số các bản sắc văn hóa dân tộc ấy chính là các mẹ, các chị. Bởi họ vẫn hàng ngày trực tiếp lưu giữ lấy nét đẹp trong trang phục của dân tộc mình, không để mai một theo thời gian.
Sắc màu trang phục các dân tộc làm nên sức hấp dẫn cho hội xuân Phìn Hồ tổ chức từ mồng 6 đến 12 tháng giêng hàng năm
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, trang phục truyền thống của một số dân tộc đang dần bị mai một do ảnh hưởng bởi thời đại công nghiệp hóa. Tuy nhiên, ở Phìn Hồ nói riêng và ở huyện Nậm Pồ nói chung, các mẹ, các chị vẫn đã và đang lưu giữ lại được những nét đẹp ấy. Văn hóa mặc đậm chất truyền thống dân tộc vẫn được hội viên hội phụ nữ các cấp hội ở Nậm Pồ duy trì, bảo tồn cùng thời gian./.