Rượu ngô -  Men say của người Mông
Thời gian đăng: 06/12/2022 08:04:00 AM

           Từ đầu những năm 90, khi người đồng bào dân tộc Mông di cư từ Lào Cai, Chủa Tùa về xã Nậm Tin khai sơn lập bản, những người phụ nữ Mông thủa ấy đã mang theo bí quyết nấu rượu ngô mà các bà các mẹ dạy về đây nấu và lưu giữ đến tận bây giờ. Rượu ngô của người Mông được nấu theo bí quyết gia truyền và phương thức truyền thống nên mang hương vị đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc, được nhiều người dân và du khách địa phương ưa dùng.

22.jpg

Hình ảnh người phụ nữ Mông Hoa đang chưng cất rượu ngô bằng chõ gỗ

           Mùa này vào các bản Nậm Tin, Mốc 4, Vàng Lếch...thuộc xã Nậm Tin sẽ không khó để nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ Mông Hoa, Mông Lềnh trong những bộ trang phục sặc sỡ đang tất bật chưng cất rượu ngô bên bếp lửa.

          Để nấu được những bình rượu ngô thơm ngon phải có đủ các yếu tố như: Hạt ngô, men lá, nước suối khe, đặc biệt là cái tâm tỉ mỉ của người nấu. Ngô dùng để nấu rượu thường là giống ngô tẻ bản địa, có màu vàng ruộm, được người dân trồng trên nương tuy năng suất không cao, nhưng ngô có độ thơm, bùi và được bảo quản trên gác xép gần bếp lửa. Bên cạnh đó, men lá cũng là một trong những bí quyết riêng để tạo nên sự khác biệt giữa rượu ngô Nậm Tin và các loại rượu khác. Men lá được làm từ nhiều loại cây rừng như; Cây kinh giới núi, cây mật, cây trầu không rừng và nhiều cây dược liệu khác, nước nấu rượu phải là nước sạch ở khe chảy ra, lúc nấu rượu người phụ nữ Mông phải kiêng dè nhiều thứ mới cho ra được những giọt rượu ngô ngon đúng vị.

23.jpg

Hạt ngô  sau khi rửa sạch được đổ vào chảo to luộc cho bung ra ba cạnh.

          Những bắp ngô tẻ vàng sau khi được mang trên nương về, sẽ lựa chọn những bắp có hạt mẩy đẹp, té ra đem đi rửa sạch cho vào bếp lửa luộc bung ra ba cạnh. Ngô luộc chín được để nguội, nếu không khi ủ men sẽ bị chua. Sau đó trộn đều hạt ngô với men lá theo lượng nhất định, rồi rải đều vào các tấm bạt hoặc thùng to ủ 20 -30 ngày đến khi lên men đạt yêu cầu. Lúc nấu, người dân đặt chõ gỗ lên chảo nước trên bếp lửa rồi đổ hạt ngô lên men vào chõ, trên mặt chõ đặt chiếc chảo gang đựng đầy nước lạnh. Giữa đáy chảo và mặt chõ dùng vải bịt kín để hơi nước không thể thoát ra ngoài, đun lửa to đảm bảo nước ở dưới đáy chõ sôi liên tục kết hợp lượng nước trên đầu chõ lạnh, sau 30 phút hơi rượu trong chõ bốc lên ngưng tụ thành rượu rồi theo chiếc vòi nhỏ ở thân chõ chảy vào can đựng, cứ như vậy cho đến khi rượu nhạt thì dừng lại. Rượu ngô ở đây, có vị nồng, ngai ngái, nhưng khi uống vào vị ngọt đượm, thơm và không bị gắt, độ rượu trung bình khoảng 30 -35 độ.

          Là một trong những người nấu rượu ngô có tiếng, cô Hạng Thị Páy, bản Nậm Tin, xã Nậm Tin chia sẻ: Tôi được mẹ truyền cho bí quyết nấu rượu từ lúc nhỏ, nấu chủ yếu để phục vụ gia đình và đãi khách quý đến thăm nhà. Bây giờ vào mùa nông nhàn tôi nấu mang ra chợ Vàng Lếch bán, khách ở đây mua một lần uống thấy thích rồi lần họp chợ sau lại ra mua tiếp, gần đến tết là có nhiều khách đặt 20 - 30 lít mang về quê làm quà.

24.jpg

Anh Tòng Văn Thuận thử rượu ngô của cô Hàng Thị Páy tại chợ phiên Vàng Lếch

          Là khách hàng quen thuộc của các cô bán rượu tại chợ phiên Vàng Lếch, anh Tòng Văn Thuận, thầy giáo ở trường Trung học cơ sở xã Nậm Tin cho biết: Những ngày đầu mới lên chợ, thấy các ông các chú tụ tập thử rượu ngô của các cô người Mông độc đáo quá, tò mò tôi cũng vào thử cùng, bây giờ  thì thành khách quen của các cô luôn. Cái độc đáo của rượu ngô là khiến người uống không thể không say, nhưng không phải cái say mê mệt, vật vã mà là cảm giác phê nhưng không mệt  mỏi cơ thể, không bị đau đầu, khó chịu sau khi tỉnh giấc.

          Theo ông Hờ A Lù, chủ tịch UBND xã Nậm Tin: Rượu ngô được người Mông ở đây nấu bằng phương pháp truyền thống nên rượu có hương vị đặc trưng được nhiều người ưa thích. Chính quyền xã cũng đang xem xét trong thời gian tới sẽ cùng người dân phát triển rượu ngô thành sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn.

           Với người Mông, rượu ngô không chỉ đơn thuần là một loại rượu, mà còn là tinh hoa bản sắc của dân tộc, là thành quả sáng chế đầy tự hào. Hiện nay thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới, với những ưu điểm và tính đặc trưng của rượu ngô, mong sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền xã Nậm Tin để người dân có thể phát triển rượu ngô thành sản phẩm có thương hiệu đặc trưng của địa phương./.

Sùng Dính
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên