Bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông ở bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ có cuộc sống phụ thuộc chủ yếu dựa vào sản xuất trên nương, nên đời sống của người dân và kinh tế - xã hội của địa phương phát triển chậm. Nhằm phá vỡ thế độc canh lúa nương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã đưa cây Sả, một loại gia vị, dược liệu vào trồng để chiết xuất tinh dầu Sả. Sả - một cây trồng không mới, song được trồng trên một diện tích lớn để chiết suất tinh dầu, tăng thêm nguồn thu cho người dân thì bà con dân tộc Mông ở bản Huổi Dạo là những người nông dân tiên phong dám thử nghiệm.
Bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ là nơi sinh sống của hơn 100 hộ gia đình người Mông. Được sự quan tâm, đầu tư của nhiều chương trình, dự án khác nhau, hệ thống cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Từng tham gia nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng do các phòng chuyên môn của huyện tổ chức, anh Giàng A Chư đã mạnh dạn đầu tư hơn 24 triệu đồng (10 triệu tiền giống,14 triệu mua bộ nồi hơi) từ nguồn vốn tích lũy để mua giống cây Sả từ huyện Mường Nhé và huyện Mường Tè (Lai Châu) về trồng. Đây là loại cây trồng không mới, xong trồng với diện tích lớn để lấy tinh dầu, thì gia đình anh Giàng A Chư là hộ đầu tiên của bản thực hiện. Anh Chư nói: “ Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, mảnh đất này tôi sinh sống đã lâu, đất thì ngày càng bạc màu đi. Tôi không có cách nào để phát triển kinh tế. Qua một lần đi thăm thân bên Mường Tè và Mường Nhé, tôi trở về quyết tâm trồng cây Sả để nấu lấy tinh dầu”.
Anh Chư (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng và chiết xuất tinh dầu Sả
Trao đổi với phóng viên, anh Chư cho biết thêm: Trên diện tích gia đình anh đang trồng Sả hiện nay ( khoảng 1 ha), những năm trước đây gia đình chỉ độc canh lúa nương. Sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, đất bạc màu do không có kinh phí để bổ sung dinh dưỡng cho đất, nên năng suất không ổn định; có năm được mùa, nhưng cũng không ít năm mất mùa. Từ ngày đầu tư kinh phí để trồng Sả lấy tinh dầu, lại nắm được phương thức, quy trình trồng, chăm sóc, nên cây Sả sinh trưởng và phát triển tốt. Bởi Sả là loại cây rất dễ trồng, không kén đất, lại tốn ít công chăm sóc, ít bị dịch bệnh, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu. Giống chỉ mua một lần và sử dụng lâu dài. Chính vì vậy, đối với gia đình anh đây không chỉ là sinh kế mới, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hộ lâu dài giúp nâng cao thu nhập cho gia đình bền vững. Anh Chư hồ hởi kỳ vọng: “ Năm sau gia đình tôi sẽ chỉ chuyên canh cây Sả, tôi sẽ mở rộng diện tích thêm nữa, làm sao mà ít nhất một tháng chiết suất tinh dầu một lần, bây giờ thì cứ 3 tháng mới được cắt lá một lần, thu được 12 triệu. Nên nhất định gia đình tôi sẽ trồng thêm.”
Đồi Sả của gia đình anh Chư khoảng 1 ha trồng trên mảnh nương cũ đã bạc màu
Cây Sả sau khi trồng khoảng 2,5 tháng là đã có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên. Trung bình mỗi ha trồng Sả có thể cho thu nhập ít nhất 12 triệu đồng. Số tiền thu về trong một vụ Sả bằng cả năm sản xuất lúa nương. Không chỉ trồng đơn thuần, anh Chư còn chủ động học tập thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham khảo kinh nghiệm của các hộ trồng Sả tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, tìm tòi quy trình chiết suất tinh dầu Sả. Hiện nay, anh Chư cũng đã tự đầu tư bộ nồi hơi để chiết suất tinh dầu. Việc chiết suất tinh dầu Sả cũng khá đơn giản, bởi quy trình khá giống với quy trình nấu rượu thường ngày gia đình anh vẫn làm. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các gia đình trồng cây Sả dược liệu ở bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán, các hộ gia đình ở đây đều khẳng định trồng cây Sả dược liệu này cho thu nhập cao gấp từ 5 - 6 lần so với trồng cây lúa nương. Anh Chư kể: “ Tôi trồng Sả từ tháng 6 năm nay, bây giờ được cắt lá 3 lần rồi, mỗi một lần chiết suất tinh dầu được 20 lít. Tôi mang sang cửa khẩu nhỏ của huyện Mường Tè (Lai Châu) sang Trung Quốc bán được 600 nghìn một lít. Một lần thu Sả là bằng cả năm làm lúa nương.”
Gia đình anh Chư tự chiết xuất tinh dầu Sả bằng hệ thống nồi hơi
Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, trên địa bàn xã Vàng Đán đã có 12 hộ gia đình ở 3 bản chuyển đổi diện tích sản xuất lúa nương sang trồng Sả lấy tinh dầu với khoảng 7 ha. Xã Vàng Đán cũng dự liệu việc mở rộng diện tích trồng Sả không khó, bởi khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây Sả, người dân Huổi Dạo và các bản lân cận sẽ học hỏi lẫn nhau để làm theo. Tuy nhiên, trên thực tế người dân trong bản mới chỉ trồng Sả đơn thuần phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nên sản lượng tinh dầu chiết suất chưa đạt cao. Mặc dù thị trường đầu ra vào thời điểm này vẫn khá ổn định, nhưng đó là thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường luôn có tính mùa vụ. Để người dân trong bản yên tâm mở rộng diện tích, chiết suất tinh dầu Sả, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh, để tìm được thêm những thị trường đầu ra có tính ổn định bền vững hơn.Ông Giàng A Cáng, Phó chủ tịch UBND xã Vàng Đán trăn trở: “ Xã Vàng Đán chúng tôi mong muốn các cấp trên quan tâm, có hướng lãnh đạo chỉ đạo để xã quản lý và phát triển mô hình này tốt hơn. So với điều kiện thực tế, phát triển mô hình trồng Sả dược liệu phù hợp với địa phương, tuy nhiên xã còn nhiều băn khoăn, lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.”
Đồng bào dân tộc Mông xã Vàng Đán kỳ vọng sẽ thoát nghèo nhờ cây Sả dược liệu
Mô hình trồng Sả của các hộ gia đình ở bản Huổi Dạo bước đầu đã cho thấy cách làm hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đặc biệt là đối với những diện tích nương nghèo, nương bạc màu qua bao đời độc canh lúa nương. Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, vốn đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, cây Sả có nhiều lợi thế để trở thành cây trồng thế mạnh, cây trồng mũi nhọn nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ gia đình ở bản nghèo bậc nhất của huyện Nậm Pồ. Nếu được hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định, tin rằng, đời sống của nhiều hộ gia đình ở Huổi Dạo nói riêng và bà con nhân dân xã Vàng Đán nói chung chắc chắn sẽ được cải thiện, được nâng lên nhờ trồng cây Sả dược liệu./.