Sáng mãi phẩm chất chiến sỹ Điện Biên Phủ anh hùng
Thời gian đăng: 07/05/2020 01:59:28 PM

Ngày 07/5 của 66 năm về trước (07/5/1954), trên chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp bằng chiến công “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu.” Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hàng nghìn người con của dân tộc ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Và cũng có những chiến sỹ may mắn được trở về quê nhà. Họ lại tiếp tục phát huy tinh thần của chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa cùng gia đình, địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Cụ Vì Văn Sam, ở bản Mới 1, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ là một tấm gương điển hình như thế.

17-image001.jpg

Đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ Sam vẫn còn nhớ như in những nhiệm vụ từng tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ

          Cụ Vì Văn Sam sinh năm 1928, quê ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nhớ lại thời thanh niên trong bom đạn, cụ kể: năm 1951 khi cụ tròn 23 tuổi,  theo lời tổng động viên của Tỉnh đội Sơn La, cụ đã tham gia làm du kích bảo vệ quê nhà trước sự xâm lấn của thực dân Pháp. Năm 1953, Cụ được biên chế vào một đại đội thuộc Tỉnh đội Sơn La bắt đầu hành trình lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mới đó, mà đã 66 năm trôi qua, nay cụ Sam đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng cứ mỗi khi nghe lại, xem lại những thước phim về trận đánh năm xưa, hay khi ngồi cùng các con cháu kể lại chuyện chiến trường, mắt cụ như sáng lên, giọng nói hùng hồn ánh lên tinh thần thép của những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cụ cùng các chiến sỹ của trung đoàn E159 làm nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển pháo đạn vào chiến trường.

18-image002.jpg

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cụ Sam cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển pháo binh vào trận chiến. ( ảnh tư liệu)

          Theo như lời kể của cụ Sam: để tiếp tế pháo, đạn dược vào trong trận địa Điện Biên, con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân tư trang lúc bấy giờ rất gian khổ. Trung đoàn E159, đơn vị công tác của cụ Sam được giao nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển pháo từ Tuần Giáo về đến Nà Tấu. Cụ Sam cho biết: “Cả một chặng đường dài này được chia thành nhiều trạm, mỗi trạm cách nhau khoảng 10 cây số, và mỗi ngày cũng chỉ đưa pháo di chuyển được khoảng 10 cây số. Những cỗ pháo được tháo rời và vận chuyển từng bộ phận đến nơi tập kết mới được lắp ráp lại.”

19-image003.jpg

Cụ Sam trong một buổi nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ

          Đã 66 năm trôi qua, nhưng những ký ức về một thời được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong người cựu chiến binh già vẫn còn rõ nét. Mặc dù không phải người trực tiếp cầm súng ra trận, nhưng cụ Sam và những đồng đội của  cụ thuộc trung đoàn E159 đã âm thầm vận chuyển pháo, đạn dược tiếp tế cho bộ đội trong trận địa. Những năm tháng chiến tranh ấy, cụ Sam cũng chưa một lần được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp, mãi cho đến ngày tròn 50 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ mới biết mặt vị đại tướng chỉ huy chiến dịch năm xưa. Bây giờ, trong nếp nhà sàn nơi cụ ở, những thứ quý giá nhất với cụ chính là bức ảnh chân dung của đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bức ảnh chụp cùng các đồng chí trong Hội cựu chiến binh. Đó chính là những ký ức của những con người góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

20-image004.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong trái tim của người chiến sỹ  Điện Biên Phủ: Vì Văn Sam.

          Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954, cụ Sam nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây của Tổ Quốc, chính là huyện Mường Nhé, Nậm Pồ bây giờ. Nhân duyên của cụ gắn bó với quê hương Nậm Pồ cũng bắt đầu từ bấy giờ. Cụ lấy vợ, sinh con và lập nghiệp trên quê hương thứ hai này. Cũng ở nơi đây, cụ đã cùng con cháu xây dựng gia đình văn hóa, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.  Ông Lèng Văn Diên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chà Cang cho biết: “Cụ Sam ở địa phương là một người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Cụ thường xuyên tham gia vào các buổi hòa giải ở cơ sở, dạy bảo con cháu theo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cụ cũng từng là người tiên phong trong việc xây dựng các mô hình kinh tế như vườn - ao - chuồng để nhân rộng trong cộng đồng dân cư.”

          “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Chiến tranh đã đi qua, đã có nhiều người con của dân tộc ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Và cụ Vì Văn Sam hay những chiến sỹ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã dành 66 năm sau ngày chiến thắng trở về địa phương để cùng con cháu xây dựng, phát triển quê hương, phát huy tinh thần anh dũng của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa./.

 

 

 

 

 

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên