Giai đoạn 2013 đến nay Nhân dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã thực hiện khai hoang, phục hóa trên 300 ha ruộng nước, chủ yếu là ruộng bậc thang tại các khe suối nhỏ. Tuy nhiên với chất đất đồi núi, cùng với đó là tình trạng bạc màu, rửa trôi dinh dưỡng do nhiều năm canh tác lúa nương, nhiều diện tích ruộng mới khai hoang chưa thật sự đem lại hiệu quả cao, người dân cần phải đầu tư nhiều công sức cải tạo như bón phân hữu cơ, nhặt đá, sỏi ra khỏi ruộng… trong quá trình đó, nhiều hộ nông dân đã có những cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả nhiều mặt; Ông Giàng Ly Giang bản Đề Pua, xã Phìn Hồ là một điển hình như thế.
Năm 2016, 2017 gia đình ông mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng thuê máy xúc để khai hoang hơn 7.000 m2 ruộng nước và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 30a trên 10 triệu đồng; trong đó có gần 4.000 m2 ruộng mới khai hoang dọc theo đường Km45-Nà Hỳ còn nhiều sỏi, đá trong ruộng; độ phì của đất gần như không có. Qua kinh nghiệm lao động thực tế, gia đình ông đã bàn bạc với các hộ xung quanh đưa ra cách cải tạo ruộng: Nuôi nhốt đàn trâu của gia đình và các hộ xung quanh trong ruộng mới khai hoang.
Đầu tiên gia đình ông làm hàng rào bằng cây gỗ tạp bao xung quanh thửa ruộng (rộng khoảng 200-300 m2) đảm bảo đủ kiên cố để nhốt trâu, ông Giàng Ly Giang cho biết: “ Tôi đã huy động các thành viên trong gia đình 01 ngày để chặt gỗ tạp và làm hàng rào, công việc này rất đơn giản, không mất tiền”. Ban ngày đàn trâu trên dưới 20 con được chăn thả trên đồi, chiều tối được lùa về nhốt; với sức nặng của những con trâu no cỏ và tận dụng chất thải của đàn trâu, từng thửa ruộng được bón phân hữu cơ tự nhiên và liên tục được cày xới sâu vào ruộng từ 10-30 cm; khoảng 2-3 tháng lại thay đổi thửa ruộng để nhốt trâu, kết quả từ năm 2016 đến nay, gia đình ông đã cải tạo được 4 thửa ruộng, tổng diện tích khoảng 2.000m2. trong đó 01 thửa đã sản xuất vụ Mùa 2017, năng suất ước đạt 45 tạ/ha. “Trong thời gian quan gia đình tôi đã nhận được sự hỏi thăm, động viên, hỗ trợ về cách chăm sóc đàn trâu, ruộng lúa của cán bộ phòng Nông nghiệp & PTNT huyện; trong thời gian tới tôi và gia đình sẽ tiếp tục đầu tư khai hoang, cải tạo ruộng và chỉ cho các hộ dân xung quanh cách làm này” - Ông Giàng Ly Giang cho biết thêm.
Đàn trâu được lùa về nhốt vào buổi chiều
Các thửa ruộng đã được cải tạo
Bà Hoàng Mê Tỷ đang chăm sóc lúa tại thửa ruộng mới khai hoang
Bà Hoàng Mê Tỷ - vợ ông Giàng Ly Giang cho biết: làm ruộng nước chỉ tốn công sức cải tạo ban đầu nhưng cho nhiều thóc hơn làm lúa nương, nhờ có đàn trâu này mà nhà tôi không mất nhiều sức cải tạo; bây giờ nhà tôi đã không làm nương nữa rồi, chỉ chăn nuôi trâu và làm ruộng nước thôi”.
Thiết nghĩ đây là cách làm sáng tạo, góp phần cải tạo đất mà không tốn nhiều công sức, mặt khác đối với đàn gia súc khi được nuôi nhốt sẽ kiểm soát được dịch bệnh, thuận lợi cho công tác thống kê, tiêm phòng dịch; cách làm này cần được tuyên truyền tới nhân dân trong huyện để nhân rộng./.