Sức lan tỏa từ phong trào xây dựng cơ sở tại các trường học, “hiệu ứng” tinh thần tập thể
Thời gian đăng: 06/02/2018 09:30:29 AM
Hiện nay, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã và đang diễn ra rất sôi nổi tại các trường học, minh chứng cụ thể nhất đó chính là việc xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa cảnh quan môi trường đang lan tỏa khắp các trường học trong huyện Nậm Pồ.

1.jpg

Các em học sinh trường PTDTBT Nà Hỳ lao động, giữ gìn vệ sinh chung

Đến với xã Phìn Hồ, khi bước vào cổng trường PTDTBT tiểu học Phìn Hồ  chúng tôi nhìn thấy đó là các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh đang hăng say lao động. Mỗi người một việc, người cầm bay xây, người cuốc đất, người trồng cây… xen lẫn niềm vui là những giọt mồ hôi lăn dài trên má, những nụ cười thân tình của đồng nghiệp, cô trò đã xóa đi sự vất vả, nặng nhọc. Nhìn thấy chúng tôi anh Khoa-Hiệu trưởng nhà trường nở nụ cười hân hoan chào đón. Sau khi trao đổi với anh chúng tôi rất ấn tượng với câu nói “Trường PTDTBTTH Phìn Hồ là trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia, song với việc giữ được chuẩn còn khó khăn hơn rất nhiều, chính vì vậy chúng tôi luôn cố gắng hết sức để xây dựng nhà trường giữ vững được các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, không phụ niềm tin tưởng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm qua, phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết trường PTDTBT, THCS Phìn Hồ và Trường mầm non Phìn Hồ cũng đã có sự phối kết hợp để giúp đỡ lẫn nhau trong việc tạo dựng cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường học.

2.jpg

Thầy, cô trường PTDTBT TH Phìn Hồ tham gia lao động

Tạm xa những ngôi trường chuẩn của xã Phìn Hồ, chúng tôi đã đến xã Pa Tần. Đây là xã có ba cấp học mầm non, tiểu học, THCS đều đang trên lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ấn tượng nhất đó là trường mầm non Pa Tần. Năm học 2017-2018 theo kế hoạch đến tháng 3/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo vào thẩm định trường chuẩn quốc gia đối với nhà trường. Ban giám hiệu đã đưa ra rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng vấn đề xây dựng cơ sở vật chất tại điểm trường chính và các điểm trường lẻ. Đặc biệt là điểm bản Huổi Quang được nhà trường nhận bàn giao từ xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé trong cùng năm học. Lúc nhận bàn giao điểm trường đã xuống cấp, cảnh quan chưa được cải tạo, điểm trường lại xa trung tâm, đường đi rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của phòng Giáo dục và Đào tạo, Đồn biên phòng Na Cô Sa kết nghĩa, Đảng ủy-HĐND-UBND xã, các đơn vị trường bạn trên địa bàn cùng với sự ủng hộ của phụ huynh đã tổ chức xây dựng cải tạo cở vật chất, cảnh quan không chỉ tại điểm trường Huổi Quang mà còn giúp đỡ các điểm trường còn lại như: xây kè đá, rào tường bằng sắt b40, trồng vườn rau, bồn hoa, cây xanh. Chia sẻ với chúng tôi cô Lò Thị Lan Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không biết nói gì để cảm ơn được hết sự quan tâm của phòng Giáo dục và Đào tạo dành cho nhà trường. Đặc biệt cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Thuận trưởng phòng giáo dục, dù bận rất nhiều công việc nhưng đồng chí đã cùng cán bộ chuyên môn và một số giáo viên đến trực tiếp chỉ đạo và lao động cùng tập thể nhà trường”.

3.jpg

Cán bộ phòng giáo dục cùng tập thể trường mầm non Pa Tần xây kè đá

Một trong những xã cũng đi đầu trong phong trào xây dựng cơ sở vật chất đó là xã Nà Bủng. Đến với trường PTDTBTTHCS Nà Bủng một trong những trường bán trú có số lượng học sinh đông nhất toàn huyện. Đồng chí Dương Duy Dần, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm qua trường đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng Đời sống bán trú cho học sinh có chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm song với tinh thần chỉ đạo chung, nhà trường luôn coi trọng việc bảo quản, nâng cấp cơ sở vật chất. Vận động tập thể, học sinh kết hợp với phụ huynh tổ chức các buổi lao động, giúp đỡ trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đáp ứng yêu cầu chung trong tình hình mới”. Có được sự đồng thuận như trên là cả một quá trình đầy khó khăn, gian khổ song cũng không phủ nhận sự thách thức và đôi chút nhụt ý chí. Nhưng vì sự nghiệp giáo dục, vì yêu nghề, vì các em học sinh dù biết là khó khăn, gian khổ nhưng nhà trường cũng đã vượt qua và khẳng định vị thế bằng ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Phong trào này không chỉ dựng lại ở những ngôi trường điểm ở trên mà đã tạo thành một “làn gió” lan tỏa rộng khắp 37 trường học trong huyện. Cùng với phong trào xây dựng cơ sở vật chất thì phong trào thi đua “dạy tốt-học tốt” cũng đã được khẳng định qua các kỳ thi, cuộc thi trong nhưng năm học qua.

Có thể ví huyện Nậm Pồ như một “tam giác đều” đua ra ba hướng khác nhau nhưng với góc nhọn nào cũng phát huy được những tiềm năng về kinh tế-xã hội, văn hóa- giáo dục trên địa bàn. Khoảng cách vùng thuận lợi hay vùng khó khăn đã xóa mờ dần trong tâm trí của mỗi người nơi đây. Thay vào đó là sự đoàn kết, đồng lòng cùng tiến vì một huyện vùng biên với quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, phồn vinh và phát triển.

4.jpg

Học sinh trường PTDTBT TH Phìn Hồ trong buổi sinh hoạt tập thể

Năm học 2017-2018 coi như là điểm tích lại những kết quả đạt được sau 5 năm hình thành và phát triển huyện Nậm Pồ, với vai trò là cơ quan tham mưu về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đã có được những khẳng định cụ thể. Tin tưởng rằng trên bước đà phát triển chung của toàn huyện, tiên phong đi đầu không thể thiếu Giáo dục và Đào tạo huyện nhà./.

 

 

Thương Hoàng - phòng Giáo dục và Đào tạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên