Có ở trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm khi dịch bệnh đến với một xã nghèo như Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chúng ta mới thấy được sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của tình yêu thương. Ở đó chúng ta sẽ bắt gặp nhiều câu chuyện cảm động đến nghẹn lòng từ chính những con người trong tâm dịch đến những câu chuyện đẹp của những đoàn thiện nguyện từ khắp mọi miền tổ quốc gửi gắm đến Nậm Pồ chung tay cùng nhau vượt qua đại dịch.
Cán bộ Y tế đến đón các cháu đi cách ly tập trung tại xã Si Pa Phìn
Những câu chuyện đẹp về tình người ấm áp trong mùa đại dịch cũng khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và lạc quan. Câu chuyện đầu tiên tôi kể đến đó là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Cúc là giáo viên đang công tác tại xã Si Pa Phìn, khi phát hiện mình bị dương tính do lây nhiễm với bệnh nhân 3758, cô đã được đưa về bệnh viện dã chiến tại Thành phố Điện Biên Phủ cách nhà 120km. Lúc đi chỉ kịp cầm theo một túi đồ nhỏ để lại 2 đứa con thơ một đứa 3 tuổi, một đứa 8 tuổi ở cùng mẹ già 72 tuổi và em trai. Cô đi chưa được mấy giờ đồng hồ thì nghe tin 2 đứa con thơ, em trai và mẹ cũng là f1 của mình phải đưa đến khu cách ly tập trung. Lòng đau xót, vừa sợ bệnh tật, vừa thương con dại cô đã đăng lên Facebook nhờ người tìm xem con đang ở khu cách ly nào thì mới yên tâm chữa bệnh. Yên tâm chưa được bao lâu thì cô lại nhận được tin con của cô, em trai và mẹ cô đều có kết quả dương tính và cũng đang trên đường về bệnh viện dã chiến. Cô chính là một người gánh chịu nhiều nhất những mất mát về tinh thần và thể xác trong đợt dịch bùng phát tại nơi cô đang công tác và sinh sống này. Và vẫn là cô giáo Cúc đã đăng lên Facebook một dòng tâm thư “Giờ mẹ con em ổn, sức khỏe bình thường. Dù biết rằng gianh giới giữa f1 và f0 là chuyện buồn nhưng niềm vui lớn nhất là được đoàn tụ với người thân trong bệnh viện dã chiến - cái nơi mà ai nghe đến cũng hoảng sợ. Trong khu cách ly tôi vẫn luôn nuôi hi vọng gia đình sẽ vượt qua được cửa ải này. Mặc dù sức lực đã giảm nhưng tôi luôn cố gắng và lạc quan. Tôi muốn gửi thông điệp đến mọi người: cho dù có là f mấy đi chăng nữa thì hãy thật bình tĩnh và vượt qua nó, hãy lạc quan lên tất cả mọi người nhé. Tôi tin rằng, nếu chúng ta cố gắng, thật sự cố gắng, nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh”. Những lời tâm sự từ đáy lòng của cô giáo Cúc đã tiếp thêm nghị lực cho những người đang chữa trị trong bệnh viện, trong khu cách ly được an ủi phần nào và lạc quan tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ.
Từ câu chuyện buồn của cô Cúc là câu chuyện của các em học sinh mầm non, tiểu học trong khu cách ly. Được biết, do dịch bùng phát tại trường tiểu học Tân Phong, xã Si Pa Phìn nên có rất nhiều các cháu từ 3 tuổi đến 11 tuổi phải đi cách ly tập trung do có tiếp xúc gần với các ca bệnh. Trong khu cách ly ngoài việc tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của công tác phòng, chống dịch bệnh thì các em còn phải tự chăm sóc cho bản thân. Nhìn những hình ảnh được chụp trong khu cách ly mà không ai kìm được được nước mắt, thương một phần vì các cháu còn quá nhỏ, 9 phần thương vì các cháu không biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh đối với bản thân. Vui vẻ nhận lời đi cách ly, hồn nhiên tâm sự với bạn, nô đùa như một buổi Picnic hay một buổi trải nghiệm mới của nhà trường tổ chức. Chỉ biết là các cô, các chú mặc bộ áo trắng kín mít nhắc nhớ phải đeo khẩu trang không lúc nào được bỏ ra nên bạn nào cũng thích thú và nghe lời. Rồi một ngày, hai ngày và nhiều ngày qua đi chúng chợt nhận ra lần trải nghiệm này có cái gì đó lạ lắm, sợ lắm mà cũng không hiểu gì hết. Nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ của chúng nữa, chưa bao giờ phải xa gia đình, xa vòng tay bố mẹ lâu như vậy. Trong phòng cách ly, chúng lặng người ngồi gục mặt xuống có vẻ hết chuyện để nói với bạn rồi, đứa thì nằm bảo nhớ mẹ, đứa thì ngồi khóc vì sợ, đứa lớn thì vỗ về đứa nhỏ, …
Nhiều cháu nhỏ nơi đây còn là những đứa trẻ kém may mắn bởi sinh ra đã sống trong hoàn cảnh nghèo khó, cơ cực, khi ở với bố mẹ các cháu có khi cơm ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc, không có đồ chơi, quần áo đẹp.., cái gì cũng thiếu. Trong khu cách ly do các cháu còn quá nhỏ nên công tác quản lý của các đội ngũ tuyến đầu gặp rất nhiều khó khăn vừa phải đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch vừa phải giám sát, động viên các cháu sao cho không bị lây nhiễm chéo. Và còn rất nhiều các câu chuyện của những gia đình fo, f1 người có nhà không thể về, con đi cách ly bố mẹ ở nhà lau nước mắt, ông bà đi cách ly, nhà có 6 người đi cách ly ba, bốn chỗ vì không cùng đợt tiếp xúc,…Câu chuyện nào cũng lấy đi rất nhiều nước mắt của nhiều người đang theo dõi và trực tiếp chống dịch nơi đây.
Một cháu nhỏ f1 xa bố mẹ vào trong khu cách ly tập trung tại xã Si Pa Phìn
Từ những câu chuyện, hình ảnh trên đã được rất nhiều các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo đài, trang thông tin điện tử; facebook, zalo cá nhân đăng tải liên tục trong những ngày qua nên huyện Nậm Pồ đã nhận được rất nhiều tình cảm của các tổ chức, cá nhân từ mọi miền tổ quốc biết đến sự khó khăn của Huyện Nậm Pồ và gửi gắm rất nhiều tình cảm bằng cả hiện vật và tiền đến tay người dân, các cháu học sinh cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Sự lan tỏa đó phải kể đến đó là sự kêu gọi của Mặt trân Tổ quốc huyện Nậm Pồ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân cùng chung tay. Trong một thời gian ngắn huyện đã nhận được cơ bản đảm bảo về vật tư y tế cũng như nhu yếu phẩm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo sinh hoạt hàng ngày cho người dân và học sinh trong các khu cách ly.
Điều mà tôi ấn tượng nhất trong những đồ thiện nguyện đó là các túi đồ chơi, những quyển sách, truyện tranh, bút sáp, vở tập tô,… cho các cháu, những món quả tuy đơn giản nhưng lại là những cái rất cần đối với các cháu học sinh để các cháu quên đi nỗi nhớ nhà, nỗi sợ, quên đi thời gian cách ly. Những mớ rau, quả bí, cân thịt tươi … cũng được đưa đến điểm tập kết đảm bảo được thực phẩm tươi sống nhất cho người dân vùng dịch. Qua đây, ta mới cảm nhận sâu sắc tấm chân tình, thấy được giá trị truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” của biết bao người giành cho nhân dân huyện Nậm Pồ.
Đội ngũ xung kích huyện tiếp nhận đồ từ các nhân, tổ chức ủng hộ huyện Nậm Pồ
Sức mạnh cộng đồng còn thể hiện ở đội ngũ xung kích của huyện, của tỉnh, đó là các tình nguyện viên đến để tham gia góp sức chống dịch cùng huyện. Sau khi có dịch huyện đã thành lập hai điểm tập kết đồ cứu trợ, một điểm tập kết đầu cầu thành phố Điện Biên Phủ và một điểm tại km 33 xã Si Pa Phìn. Ở đó, chúng ta sẽ bắt gặp những con người không kể ngày đêm thường trực làm các công việc: nhận đồ, phân chia đồ, liên hệ xe chở đồ, bốc vác lên xe sao cho đưa được các nhu yếu phẩm nhanh nhất đến điểm cách ly. Trong mấy ngày qua, do thời tiết xấu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đổ hột làm họ ướt sũng trong bộ quần áo bảo hộ, kiệt sức vì mất nước, vì mệt. Rồi có ngày thì mưa giông, gió lốc, các chiến sĩ đứng chốt, đội ngũ Y, Bác sĩ, các anh em xung kích lại rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất, cũng ướt, ướt vì phải canh chốt kiểm dịch, ướt vì bốc hàng cho kịp chuyến xe,... Huyện có 12 điểm cách ly tập trung, điểm nào cũng gần 200 con người, công tác hậu cần nấu cơm cũng vô cùng vất vả. Do điều kiện thiếu thốn, nhân lực hạn hẹp nên gần như ai cũng làm việc đến 200% sức lực trong đợt chống dịch này.
Lãnh đạo huyện nhận quà tặng của các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến huyện Nậm Pồ
Thời điểm này, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế. Song huyện vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác cao nhất, toàn tâm, toàn lực chống dịch. Trong đó sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân giành cho Nậm Pồ chính là sự động viên lớn lao giúp cho Nậm Pồ sớm ổn định và chống dịch hiệu quả. Qua đây, cho chúng ta thấy càng những lúc khó khăn nhất, những thời điểm tưởng chừng khó vượt qua nhất, ta lại càng thấy giá trị của tình yêu thương, nghĩa đồng bào lan tỏa, tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Và qua đó, mỗi chúng ta thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa với quê hương, đất nước./.