Tản mạn về nghề giáo (Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt nam 20/11)
Thời gian đăng: 01/11/2017 07:46:17 AM

11.jpg

Những ngày này, người ta cũng lo nhiều việc. Tháng gần cuối năm, người lo hoàn tất các thủ tục hồ sơ chờ thanh tra, kiểm tra; người mải miết kiếm tìm cơ hội cho năm mới; lại cũng chẳng ít người miên man nghĩ chuyện xa xưa, chuyện mai sau. Chỉ có một điều rất chắc, ấy là dịp này ai ai cũng nghĩ về nghề giáo, về những người thầy giáo, cô giáo của mình, cho dù điều đó có thể thoáng qua trong đầu. Ấy nghĩa là nghề giáo thật đặc biệt.

                                 "Có một nghề bụi phấn dính đầy tay

                                  Người ta bảo là nghề trong sạch nhất

                                 Có một nghề không trồng cây trên đất

                                 Lại nở cho đời những đóa hoa thơm ...”

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, ước mơ trở thành cô giáo đã theo tôi từ khi còn nhỏ và những người “truyền lửa”, nâng cánh cho ước mơ của tôi là thầy cô và ngôi trường dân tộc nội trú tỉnh - lúc ấy người ta hay gọi với cái tên dân dã “trường Mèo” - mái nhà chung của cộng đồng các em học sinh dân tộc thiểu số. Nơi đó, các thầy cô chính là người cha, người mẹ vừa truyền thụ kiến thức, vừa dạy cách “học ăn, học nói, học gói, học mở” cho những cô cậu học sinh người dân tộc tự ti, rụt rè và nhút nhát như chúng tôi.

22.jpg

Cựu học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đang công tác tại huyện Nậm Pồ

Mang theo tâm trạng có chút tò mò, có chút băn khoăn, hồi hộp – tôi bước chân vào giảng đường sư phạm. Ba năm học trôi qua nhanh đến nỗi, nhiều khi ngoảnh lại vẫn tự hỏi mình và hỏi bạn bè thân “chúng mình đã làm được gì ấy nhỉ?” và lại cười trừ cho qua, lắc đầu rất nhẹ “hóa ra cũng không làm được gì nhiều!”. Giờ bạn cũ gặp nhau, câu chuyện bao giờ cũng mở đầu bằng những chuyện tưởng như xa xưa lắm: “Này, cậu còn nhớ cô Yến dạy văn không? Hôm trước gặp cô ở lớp Trung cấp lý luận, thấy giọng văn của cô vẫn mềm như vậy”, “thầy dạy Vật lý mình ngày xưa, nhìn thầy vẫn phong độ như thế”, “Thầy Vinh giờ làm Trưởng phòng Khảo thí ở Sở Giáo dục, vừa vào huyện mình công tác”….

Khi ấy, chợt nhận ra rằng dường như thời gian trôi qua nhanh hay chậm là thế, dù ra trường bao năm đã khác xưa là thế thì cái đọng lại trong lòng mỗi người vẫn là biết bao kỉ niệm về thầy cô, trường lớp, bạn bè. Chúng tôi vẫn gọi đùa đó là những kỉ niệm “êm đềm” dù lắm lúc, cái sự êm đềm cũng thật dữ dội. Mỗi lần gặp nhau, vẫn chừng ấy câu chuyện mà chẳng bao giờ thấy cũ. Dường như mỗi thầy cô chèo đò, hết chuyến này đến chuyến khác, đều để lại trong lòng khách sang sông những câu chuyện, những tấm lòng mà đám học trò dù lớn bao nhiêu vẫn nhớ, vẫn nhắc như thứ dư vị ngọt ngào nhất có thể có của một thời.

Thời gian gần đây thấy người ta nói về giáo dục nhiều. Nói hay thì mình thấy vui mừng mà những lời nói không hay thì mình thấy lòng nặng trĩu. Mình nhìn nghề giáo thế nào nhỉ? Ừ thì lương thấp đấy, ừ thì có chỗ nọ, chỗ kia xin việc khó khăn đấy, vậy nghề giáo có gì? Nghề giáo có niềm vui, cái niềm vui nghe thật lạ lùng nhưng quả thật sẽ chẳng có niềm vui nào có thể vui hơn thế. Đó là niềm vui vì một bó hoa dại cô học trò lấm lét dành tặng, vui vì bài văn không sai lỗi chính tả của cậu học trò người Mông, vui vì hai cái bánh gù của em học sinh người Thái, vui vì “cô giáo ơi! tao cho cô giáo con gà, ăn tết xong tao cho con xuống trường”,…Đó là niềm vui về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học trò… vui vì người khác vui. Nghề giáo có “của để dành” - cái “của” mà nhiều khi chính các thầy cô cũng không hay biết và cũng chẳng phải các thầy cô làm mọi thứ vì học trò để có cái “của” ấy. Đó chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, người ta vẫn giữ cho nhau giữa xã hội xô bồ. 

33.jpg

Một tiết học của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Na Cô Sa, năm học 2014-2015

“Hôm nay báo viết về gương một anh nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, ti vi nói về một anh Phó chủ tịch xã người dân tộc Mông đã giúp bà con thoát nghèo bằng mô hình chăn nuôi lợn, cô giáo mầm non sẵn sàng xung phong lên bản xa nhất, khó khăn nhất để gieo cái chữ…”... Ừ, học trò mình đấy, hỏi có vui được hay không?... “Alo, cô ơi! em nhận được bằng Đại học rồi!”, “Cô ơi! cô có nhận ra em không?... Em bây giờ làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã”,... Đó là những câu chuyện có thật của tôi, của gia đình bạn bè tôi, và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện như thế trên đất nước này. Nghề giáo đấy! Ai biết thế nào là “giàu”?

Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề nhà giáo. Những khó khăn, vất vả và hy sinh của nghề giáo sẽ được mọi người thấu hiểu và trân trọng hơn như chính bản chất "cao quý" của nó vậy. Vì đâu đó, rõ ràng ta vẫn thấy những thực trạng đáng buồn về nghề giáo chúng ta...

                      Cái bục giảng không cao

                      Nhưng đã có đôi người vấp té

                     Viên phấn của lòng mình

                     Không giữ nổi trên tay

                       …

                                          (Bụi phấn - Đoàn Vị Thượng)

Lời thơ cũng là lời nhắn nhủ thật ý nghĩa, giúp mỗi người càng ý thức hơn về chỗ đứng trên bục giảng của mình. Để xứng đáng, thầy cô giáo đã không bao giờ tự bằng lòng với kiến thức và kinh nghiệm đã có, vẫn nỗ lực từng ngày, rèn luyện từng ngày về tri thức lẫn tư cách đạo đức người thầy, để xứng đáng với trọng trách, niềm tin mà cộng đồng xã hội đã phó thác cho ngành giáo dục.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là một ngày khá đặc biệt trong quan niệm của nhiều người: Tròn 35 năm kể từ Lễ kỷ niệm đầu tiên. 35 năm không nhiều nhưng đủ dài để xã hội biết tôn vinh những hi sinh, nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên; để các thế hệ trẻ hiểu dù xã hội biến đổi ra sao, vẫn luôn luôn có một ngày mà tất cả chúng ta đều hướng lòng tri ân tới các thầy cô giáo./.

Vi Minh – Phòng GD&ĐT
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên