Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao, biên giới Nậm Pồ
Thời gian đăng: 21/12/2017 05:14:06 PM

Đề án “tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”đã được triển khai thực hiện đồng bộ, bằng những giải pháp quyết liệt. Lời giải cho bài toán “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”đã được mở ra.

TI-NG-VI-T-1.jpg

Giờ dạy tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh tại trường mầm non Si Pa Phìn

       Với mục tiêu tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề cho các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của cả nước nói chung và huyện Nậm Pồ nói riêng.

Theo đó, mục tiêu Đề án: Đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 97,1% trẻ em là người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tăng cường tiếng Việt dưới mọi hình thức; 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt. Đến năm 2025, có ít nhất 47,2% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 98,6% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tăng cường tiếng Việt dưới mọi hình thức. 100% học sinh tiểu học người DTTS được tham gia học tăng cường tiếng Việt.Đối với quản lý, giáo viên: 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp TH, giáo viên cấp MN vùng DTTS được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt.

Thực tế cho thấy, trong sinh hoạt gia đình các em học sinh dân tộc thiểu số của huyện Nậm Pồ chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ nên khi bước ra thế giới bên ngoài, vào môi trường giáo dục phổ thông, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của các em. Trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo của các em không chỉ khó khăn mà thậm chí là không thể. Việc nghe giảng những kiến thức về các môn học khác nhau bằng tiếng Việt lại càng khó khăn hơn đối với các em.

Trao đổi với chúng tôi, cô Lò Thị Thùy – Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nà Hỳ cho biết: Trước khi đến trường đa số học sinh người dân tộc thiểu số chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Một số học sinh tới lớp mầm non, mẫu giáo được sự chăm sóc và có vốn kiến thức ban đầu về tiếng Việt, sử dụng được những mẫu hội thoại đơn giản, những kỹ năng cơ bản như nghe, nói… nhưng vì nhiều lý do đã không theo các em bước vào lớp 1.

Khi đến trường, đến lớp các em bước đến môi trường sinh hoạt hoàn toàn xa lạ, tâm lý rụt rè, e sợ luôn thường trực đã làm giảm tốc độ tiếp thu và hứng thú học tập. Vì vậy, khó khăn của các em cũng chính là thách thức, trách nhiệm đặt lên vai những người thầy trong quá trình giảng dạy.

Trả lời về giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đồng chí Hoàng Thị Bích - Phó trường phòng GD&ĐT cho biết: Chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án là giải pháp đầu tiên của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, công tác tuyên truyền được tập trung vào việc vận động, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ biến kiến thức khoa học về chăm sóc, giáo dục trẻ, vận động cha mẹ sử dụng hiệu quả các chế độ chính sách của nhà nước hỗ trợ. Hướng dẫn, hỗ trợ các bậc cha mẹ tham gia vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giáo dục trẻ, từ đó góp phần xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

Với mục tiêu tăng cường tiếng Việt tối ưu cho học sinh dân tộc thiểu số, hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về xây dựng và sử dụng môi trường tăng cường tiếng việt cho trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, tập huấn về phương pháp trong dạy tăng cường tiếng Việt, hướng dẫn giáo viên khai thác, sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho trẻ theo triển khai của Bộ, tỉnh. Tổ chức giao lưu tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học theo từng trường, cụm trường. Xây dựng mô hình điểm thực hiện Đề án (3 đơn vị trường mầm non Si Pa Phìn, mầm non Chà Cang, mầm non Nà Bủng). Tiếp tục tổ chức khảo sát, phân tích thực trạng tại các trường được chọn làm mô hình điểm để xác định mục đích, yêu cầu, nội dung cần triển khai phù hợp với từng trường để chỉ đạo nhân rộng mô hình điểm.

TI-NG-VI-T-2.jpg

Thư viện sách ngoài trời của trẻ tại điểm bản Phi Lĩnh 2

TI-NG-VI-T-3.jpg

Trang trí các góc tạo môi trường trong lớp học

Với những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu được đưa ra, tin rằng trong thời gian tới, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn huyện Nậm Pồ sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em người dân tộc thiểu số thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng do hạn chế tiếng Việt, tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.

                                           

 

     Thương Hoàng – Phòng Giáo dục và Đào tạo  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên