Với đặc thù của bậc học Mầm non, người giáo viên không chỉ dạy học, còn đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là phần việc đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và thường được giáo viên nữ đảm nhiệm. Tuy vậy, tại điểm trường Huổi Nỏng thuộc Trường Mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ có một thầy giáo vẫn ngày ngày lặng lẽ, miệt mài dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ những lớp trẻ Mầm non nơi đây đó là Thầy giáo Lò Văn Đạt, người thầy đặc biệt của những đứa trẻ vùng cao Huổi Nỏng.
Thầy Lò Văn Đạt ân cần dạy học cho các em mầm non tại điểm trường Huổi Nỏng
Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, thương những đứa nhỏ vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi. Năm 2022, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, thầy giáo Lò Văn Đạt đã nộp hồ sơ thi và trúng tuyển kỳ thi viên chức tại huyện Nậm Pồ, thầy Đạt được phân công giảng dạy tại Trường mầm non Nậm Khăn. Năm học 2024 - 2025 này, đồng cảm với sự vất vả của các giáo viên nữ khi phải rời xa gia đình, con cái lên những điểm bản xa xôi, không đường, không điện, không sóng điện thoại bám bản dạy học, thầy Đạt đã xin Ban giám hiệu nhà trường lên giảng dạy tại điểm trường Huổi Nỏng. Đây là một trong những điểm trường khó khăn và xa trung tâm xã nhất, những cung đường vào bản khá ngoằn ngoèo, nhiều đá lởm chởm, đi phải mất hơn một tiếng đồng hồ, ngày nắng có thể đi xe máy vào bản, còn ngày mưa to quá thì phải đi bộ nên thầy Đạt thường ngủ lại điểm trường cuối tuần mới về thăm vợ con.
Tiết học thể dục tại lớp của thầy và trò điểm trường mầm non Huổi Nỏng
Thầy Lò Văn Đạt chia sẻ: "Khi tôi chọn học và gắn bó với nghề dạy trẻ bậc mầm non, người thân, bạn bè đều hoài nghi vì nghề đó chỉ phù hợp với nữ giới. Nhưng tôi lại nghĩ, ở những vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, không điện, không sóng điện thoại... những thầy giáo mầm non như tôi là rất cần thiết. Dù dạy ở điểm trường nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng để không phụ sự tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, cấp trên dành cho mình”.
Tiết học ở góc thư viện, thầy Đạt giới thiệu với các em về đèn giao thông và các loại xe tham gia giao thông
Năm học 2024 - 2025 này, điểm trường Huổi Nỏng có 8 học sinh dân tộc Khơ Mú độ tuổi từ 3 - 5 tuổi học ghép trong một lớp. Hằng ngày, mới tờ mờ sáng thầy Đạt đã có mặt tại trường để quét dọn, vệ sinh lớp học, khuôn viên trường chào đón các em học sinh đến lớp. Khoảng 7 giờ, bắt đầu dạy các em tập thể dục buổi sáng, múa, hát, tô màu, đọc chữ... học đến khoảng 9 giờ, các em sẽ tự chơi để thầy xuống bếp nấu bữa trưa. Một tay thầy nấu cơm, canh, rau, thịt rồi sắp bữa cho các em học sinh. Giờ ăn, thầy luôn tay luôn chân, hết bón cơm cho đứa nhỏ lại lấy canh, san thức ăn cho đứa lớn. Ăn xong, bọn trẻ chơi trong lúc thầy dọn dẹp bát đũa, bàn ghế. Đến giờ ngủ, thầy phải nằm cùng thì bọn trẻ mới ngủ yên. Khi cả phòng chỉ còn những hơi thở đều đều, thầy mới xuống bếp lùa vội bát cơm rồi chuẩn bị cho giờ học buổi chiều…
Một tay thầy Đạt chăm lo từng bữa ăn, rèn nét sinh hoạt cho trẻ em bản Huổi Nỏng
Vừa chải tóc cho học sinh thầy Đạt vừa tâm sự thêm “Những ngày đầu vào bản dạy học, vì chưa quen với một thầy giáo đứng lớp, khi tôi chào học sinh là “Thầy chào các em”, học sinh đáp lại tôi “Chúng em chào cô ạ”. Lúc đầu tôi cũng có chút bỡ ngỡ, không quen, nhưng thời gian học lâu dần, tiếp xúc nhiều, các trò cũng quen dần với tôi. Ở trường các cô giáo cũng hay gọi vui tôi là “Cô giáo Đạt”, tôi không cảm thấy đây là điều gì ngại ngùng, tôi thấy may mắn và biết ơn ngành giáo viên mầm non đã mang lại cho tôi những tình huống hài hước, niềm vui trong cuộc sống để tiếp tục cố gắng dạy các em học sinh vùng sâu vùng xa biết cái chữ, hy vọng sau này cuộc sống của các em đỡ vất vả hơn”.
Bản Huổi Nỏng cách trung tâm xã Nậm Khăn gần 27km, với 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên đời sống bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, vất vả cũng bởi vậy mà trẻ em nơi đây thường không thích đến trường hoặc nghỉ học theo bố mẹ lên nương. Ngay sau khi nhận công tác tại điểm trường, thầy Đạt đã tìm đến từng nhà dân vận động học sinh đi học, những em hay nghỉ hoặc đi học muộn, thầy phải đi xe máy đến tận nhà vận động chở đến lớp học tập. Đường xa, đi lại vất vả, những ngày trong tuần thầy Đạt sẽ ngủ lại điểm trường, thời gian rảnh buổi tối, thầy lại ngồi tỉ mẩn sáng chế ra những vật dụng đồ dùng, đồ chơi học tập ngộ nghĩnh, tạo hứng khởi và thích thú cho con trẻ trong mỗi giờ lên lớp. Chính sự kiên trì, tình yêu, sự gần gũi, sâu sát của thầy dành cho con trẻ nơi đây, bà con dân bản đã dần dần hiểu, đồng tình, ủng hộ và yên tâm gửi gắm các con cho thầy Đạt dạy dỗ.
Anh La Văn Dương, người dân bản Huổi Nỏng cho biết: “Bao năm nay chỉ thấy cô giáo đến dạy học cho các cháu mầm non ở bản mình, năm nay có thầy Lò Văn Đạt vào dạy học, bà con cũng lo lắng khi một người đàn ông dạy học cho các cháu nhỏ, nhưng từ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Đạt dành cho các con trong thời gian qua, bà con chúng tôi đã yên tâm và yêu mến thầy vì dạy con cháu chúng tôi biết được con chữ, con số, biết múa, hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ”.
Thầy Đạt chăm lo các em học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ như một cô giáo
Cô giáo Cà Thị Uân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Khăn cho biết: “Với cấp học Mầm non có thầy giáo là điều rất đáng quý. Hiện toàn trường có 19 giáo viên trong đó có duy nhất đồng chí Lò Văn Đạt là thầy giáo mầm non, là một giáo viên trẻ tâm huyết, có chuyên môn, năng lực, ý thức trách nhiệm cao trong công việc, dù là một thầy giáo nhưng thầy Đạt dạy các cháu học sinh múa, hát, chăm các con ăn, ngủ nghỉ khéo như một cô giáo mầm non vậy. Tôi tin rằng, thời gian tới thầy Đạt sẽ tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người”.
Lớp học mẫu giáo ghép 3 - 5 tuổi tại điểm trường Huổi Nỏng thuộc Trường Mầm non Nậm Khăn dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy giáo Lò Văn Đạt, những âm thanh trong trẻo từ lời ca, tiếng hát, câu chuyện kể của con trẻ nơi đây ngày ngày vang lên rộn rã. Thấp thoáng trong diện mạo mới của trường có bóng dáng một người thầy vẫn lặng lẽ vượt mọi khó khăn “lái con đò tri thức”, thắp lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho các em thơ và mảnh đất nghèo Huổi Nỏng./.