(TTV Online) Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia, những năm qua huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân các xã, bản đặc biệt khó khăn. Thông qua việc triển khai Chương trình 135 đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Trao đổi với phóng viên TRANGTRAIVIET.VN, ông Nguyễn Thái Hà, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Nậm Pồ cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình 135, căn cứ vào điều kiện thực tiễn tại địa phương, huyện Nậm Pồ không chỉ thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, mà còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống trường lớp học… Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, các công trình được đầu tư đã tác động tích cực đến đời sống người dân trên địa bàn”.

 

Từ Chương trình 135/CP đã đầu tư cho huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nhiều dự án thủy lợi, để người dân khai hoang ruộng nước
Thông qua Chương trình 135, Nậm Pồ đã được đầu tư nhiều dự án thủy lợi, để người dân khai hoang ruộng nước

Pa Tần là một trong những xã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135. Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần, cho biết: “Hàng năm, để Chương trình phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã vận dụng linh hoạt, đưa các chỉ tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Chương trình 135 với Chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Từ nguồn vốn, xã ưu tiên cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống”.

 

Các chương trình mục tiêu Quốc gia đã hỗ trợ người dân về cây con giống, giúp họ tập trung phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo
Các chương trình mục tiêu Quốc gia đã hỗ trợ người dân về cây trồng, vật nuôi, giúp họ tập trung phát triển chăn nuôi, xóa nghèo.

Huổi Sâu là bản khó khăn của xã Pa Tần, đời sống người dân vốn chỉ bám vào ruộng nương nhưng do thiếu nước nên việc sản xuất không thuận lợi. Hệ thống mương dẫn nước chưa được kiên cố hoá, thường bị vùi lấp mỗi khi có mưa lớn. Trước thực trạng đó, năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình 135 và 30a của Chính phủ, bản Huổi Sâu được đầu tư công trình Thủy lợi Huổi Pắng với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Nhằm phát huy hiệu quả của công trình, chính quyền xã đã vận động bà con chuyển từ trồng lúa một vụ sang sản xuất hai vụ. Ðến nay, không chỉ có đủ thóc để ăn mà người dân bản Huổi Sâu còn có thóc để bán và trao đổi hàng hóa.

“Nhờ được hưởng chính sách ưu đãi từ Chương trình 135 và một số chương trình giảm nghèo khác, đời sống của người dân ở xã Pa Tần đã thay đổi nhiều. Ðây cũng là động lực cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo” - bà Vàng Thị Vân chia sẻ.

 

Không chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước, người dân trong huyện còn đầu tư mua phân bón cho sản xuất nông nghiệp
Không chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước, người dân trong huyện còn đầu tư mua phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục… từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Nậm Pồ đang thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai hỗ trợ hàng nghìn vật nuôi cho người dân; hỗ trợ hàng trăm máy nông nghiệp các loại cho hàng nghìn hộ dân tại các xã: Pa Tần, Phìn Hồ, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Chà Tở, Si Pa Phìn, Nậm Chua, Vàng Ðán…

Là xã đầu tiên cán đích trong xây dựng nông thôn mới, ông Tao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, cho biết: “Có được kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân trong xã, việc hỗ trợ kịp thời của Ðảng, Nhà nước qua các chương trình giảm nghèo, như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… góp phần to lớn trong việc giúp xã phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ðể giữ vững và phát huy kết quả đó, xã đã và đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguồn vốn các chương trình giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135”.

 

Dưới tán rừng người dân còn tập trung trông các loại thảo dược có giá trị kinh tế cao, để tăng thu nhập đời sống
Dưới tán rừng người dân còn tập trung trồng các loại thảo dược có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, thời gian qua, huyện Nậm Pồ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho nhân dân. Qua triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đang hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung; các ứng dụng kỹ thuật từng bước được người dân áp dụng vào sản xuất… từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ðến nay, trong tổng số 15 xã của huyện Nậm Pồ, có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; 5 xã đạt từ 7 tiêu chí trở lên; không có xã dưới 5 tiêu chí.

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện Nậm Pồ về thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nậm Pồ đạt được trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo thông qua các chương trình, dự án của Trung ương.