Thông tư 07/2017/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung  về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật  
Thời gian đăng: 25/08/2017 07:22:59 PM

Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư  số: 07/2017/TT-BTP quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

 

Thông tư số 07/2017/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017 có một số nội dung mà cấp xã cần chú ý như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 

Thông tư quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần và hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thông tư này áp dụng đối với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Thứ hai, về điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thông tư số 07/2017/TT-BTP đã xác định cụ thể nội dung thành phần và điểm số cụ thể của 25 chỉ tiêu tiếp cận pháp luật với tổng số điểm là 100 điểm. Riêng đối với chỉ tiêu xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) thì điểm số được xác định theo công thức sau: 

Số điểm của chỉ tiêu = (Tỷ lệ % đạt được x Số điểm tối đa của chỉ tiêu)/100

Phụ lục II của Thông tư quy định 9 biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gồm:

(1) Bảng tổng hợp điểm số của các chỉ tiêu, tiêu chí tự chấm điểm;

(2) Phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính;

(3) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính;

(4) Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của UBND xã;

(5) Công văn đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

(6) Biên bản họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật;

(7) Danh sách xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

(8) Danh sách xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(9) Quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Thứ ba, về Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật 

Thông tư quy định cụ thể việc thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của huyện (không thành lập ở cấp xã) có chức năng tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện thực hiện việc xem xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trao đổi, đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và việc thực hiện các sáng kiến, giải pháp đó trong phạm vi địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND huyện giao.

Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND xã cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu cho Hội đồng về các nội dung cần yêu cầu giải trình, bổ sung làm rõ.

Th-ng-t-27-2.jpg

Tuyên truyền triển khai việc xây dựng tiếp cận pháp luật tại xã Chà Nưa

 

Thứ tư, về đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã

Đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng bao gồm tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của UBND xã và đã được trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong năm đánh giá hoặc năm trước liền kề năm đánh giá. Số lượng đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng hằng năm của mỗi đơn vị cấp xã do UBND tỉnh hướng dẫn nhưng tối thiểu phải đạt từ 15% trở lên số lượt thủ tục hành chính tại xã đã được giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá.

Thông tư cũng quy định trường hợp đối với cấp xã trong năm đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng thực hiện đo lường sự hài lòng về chỉ số cải cách thủ tục hành chính (chỉ số PAR INDEX) thì có thể lồng ghép đánh giá hoặc sử dụng kết quả của chỉ số này để tính điểm chỉ tiêu 5 về “bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính” của Tiêu chí 2.

Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, việc tổ chức đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã bằng hình thức Phiếu lấy ý kiến có thể được thực hiện vào cuối tháng, cuối quý hoặc 6 tháng một lần.

Thứ năm, về sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thông tư quy định trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức đồng thời với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá để xét, đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ sáu,về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức

Thông tư quy định Phòng Tư pháp huyện, công chức Tư pháp – Hộ tịch ở xã là đầu mối thường trực tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND huyện, xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương. Cơ quan, tổ chức có liên quan đến đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện nhiệm vụ được giao theo Thông tư này và theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền./.

                          

   Phạm Thị Ngân – Trưởng phòng Tư pháp huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên