Ðể nâng cao hiệu quả công việc, cán bộ xã Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ) thường xuyên bám cơ sở. Ảnh: Phương Liên
Hiện nay, khối Ðảng, đoàn thể huyện Nậm Pồ gồm các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị xã hội huyện được giao chỉ tiêu 54 biên chế. Trong thực tế đang thực hiện 52 biên chế; trong đó, các cơ quan khối Ðảng là 31 biên chế; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, MTTQ và các đoàn thể là 21 biên chế. Khối chính quyền có 13 cơ quan hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; 45 đơn vị trường thuộc Phòng Giáo dục và Ðào tạo (có 5 trường chưa đi vào hoạt động); 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường với tổng biên chế 1.588 người. Trong đó, 86 cán bộ, công chức; 1.456 viên chức sự nghiệp giáo dục, 46 viên chức sự nghiệp khác. Với 15 đơn vị cấp xã thuộc huyện Nậm Pồ, số lượng biên chế được bố trí theo quy định là 361 người, hiện nay mới được bố trí 345 người, đa phần là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 301 người; số lượng hoạt động không chuyên trách ở bản là 1.202/2.508 số lượng được bố trí. Theo Ðề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, đến năm 2021 huyện Nậm Pồ được giao chỉ tiêu thực hiện tinh giản 202 biên chế (trong đó 8 biên chế hành chính, 157 biên chế sự nghiệp, 36 biên chế cấp xã, 1 hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NÐ-CP) mới đảm bảo đủ 10%.
Ðến thời điểm hiện tại, huyện Nậm Pồ đã tinh giản được 15 biên chế, đạt 7,4% so với kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến trong đợt 2 năm 2018, huyện tiếp tục đề nghị tinh giản 5 người (1 công chức xã, 4 viên chức sự nghiệp giáo dục). Có thể thấy rằng dẫu đã cố gắng nhưng con số đó còn khá xa so với mục tiêu đến năm 2021 của huyện Nậm Pồ. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Ðến nay, đối tượng tinh giản biên chế của huyện chủ yếu là công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế trong đó có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Tuy nhiên để có thể phân loại những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ là điều khá khó khăn trong khi các quy định, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng. Thêm nữa, chủ trương của cấp trên về sáp nhập các bản có ít dân cư để giảm đầu mối những người hoạt động không chuyên trách ở bản có thể khó thực hiện ở Nậm Pồ bởi địa hình đồi núi chia cắt, các nhóm dân cư ở cách xa nhau có nơi tới hơn 5km. Nếu sáp nhập sẽ khó cho công tác quản lý, bám nắm địa bàn của chính quyền cũng như các hoạt động của người dân.
Trước những khó khăn đó, huyện Nậm Pồ đề ra nhiều giải pháp cụ thể để hướng đến mục tiêu của Ðề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021. Ðầu tiên là tập trung đánh giá khách quan, sát với việc thực hiện nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức theo đúng quy định. Việc đánh giá phân loại khách quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đây là căn cứ để xem xét cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục đưa vào đối tượng tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị định số 108/2014/NÐ-CP. Ngoài ra, huyện chỉ đạo thực hiện kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, bản để giảm số lượng người hưởng phụ cấp từ ngân sách. Thực tế tại xã Phìn Hồ, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện việc phó chủ tịch ủy ban MTTQ xã kiêm nhiệm chức danh phó chủ tịch Hội Người cao tuổi; sắp tới sẽ giảm chức danh phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, chỉ giữ lại chức danh chủ tịch. Cùng với “giản”, huyện Nậm Pồ chú trọng đến việc rà soát vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp, nhằm sắp xếp bộ máy công vụ tinh gọn, khoa học theo hướng giảm đầu mối. Ðồng thời, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình và phương thức đào tạo cho phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh theo hướng tăng cường năng lực điều hành, xử lý công việc, đa dạng hóa hình thức đào tạo. Quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng, với thực hành để nâng cao hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức huyện Nậm Pồ.