Giữa núi rừng biên giới Nậm Pồ, trong cộng đồng dân tộc Mông, đón một mùa xuân mới về không thể thiếu được âm thanh từ những chiếc khèn Mông. Với đồng bào người Mông, tiếng khèn chính là linh hồn, là bản sắc của dân tộc. Cũng bởi tầm quan trọng như vậy, nên mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên khắp các bản làng người Mông lại vang lên âm thanh lúc trầm lúc bổng của tiếng khèn trong sự hân hoan đón chào một mùa xuân mới.
Tháng chạp hàng năm là thời gian nông nhàn, người đàn ông dân tộc Mông thường mang khèn ra thổi để đón mùa xuân mới về
Khi củi đã chất đầy hiên, thóc lúa đã chở về đầy nhà, chị em phụ nữ nhanh tay hối hả thêu thùa hoàn thiện bộ váy áo đẹp nhất để đi chơi Tết thì cũng là lúc những người đàn ông dân tộc Mông gác lại mọi việc để toàn tâm toàn ý thổi khèn. Khoảng độ tháng chạp hàng năm, ông Hờ A Sàng và ông Hờ A Pàng ở bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa cùng nhau múa khèn trong niềm vui của một năm được mùa thóc lúa, chuẩn bị đón cái Tết ấm cúng đủ đầy. Chỉ còn ít ngày nữa là đón Tết cổ truyền của dân tộc, hai ông càng thổi, càng múa, lại càng hăng say hơn. Họ như thấy mình trẻ lại một thời thanh niên trai trẻ. Thời của thanh xuân có các đôi trai gái dập dìu đi trẩy hội, cùng hòa vào trong nhịp điệu của tiếng khèn, tiếng sáo, cùng nhau ném quả Pao trao duyên. Đón tết của đồng bào dân tộc Mông được làm nên từ những đặc trưng như vậy. Ông Hờ A Sàng, Bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa cho biết:Tết của người Mông thì không thể thiếu tiếng khèn được. Không có tiếng khèn trai gái không thành đôi. Tết không vui nữa. Từ các cụ ngày xưa rồi, ngày Tết là ngày vui, ngày vui thì phải có tiếng khèn mới vui trọn vẹn.
Sau mỗi giờ hăng say thổi khèn, ông Pàng và ông Sàng lại cùng nhau ngồi bên bếp lửa hồng để cùng trao đổi, bàn bạc, cùng chia sẻ những kỹ năng thổi khèn, cùng hát cho nhau những khúc hát truyền thống mà ngày nay, mấy ai còn lưu giữ được. Ông Hờ A Pàng, Bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa hát một khúc hát truyền thống theo tiếng khèn Mông của ông Hờ A Sàng. Khúc hát mang ý nghĩa: Một mùa xuân mới đã về rồi. Đồng bào người Mông nhớ ơn Đảng, ơn bác Hồ kính yêu đã mang về cho người Mông một cuộc sống tươi đẹp hơn. Mang đến một mùa xuân hoa lá tốt tươi, đâm chồi nảy lộc. Tết đến, xuân về rồi, nam thanh nữ tú, già trẻ, gái trai mình cùng nhau uống chén rượu nồng, ném quả Pao, cùng nhau thổi khèn, múa ô.
Ông Sàng và ông Pàng là một trong những nghệ nhân khèn nổi tiếng trong huyện và trong tỉnh
Trong cuộc sống thường ngày, bất cứ lúc nào, người đàn ông dân tộc Mông cũng có thể mang khèn ra thổi. Trong những dịp lễ hội, trên những bãi đất trống, đàn ông người Mông vừa thổi khèn, vừa múa khèn với những động tác vừa khỏe khoắn, vừa dẻo dai. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa… Khi một bài khèn được cất lên, nhiều người có thể tham gia múa khèn, chủ yếu vẫn là các chàng trai. Còn các cô gái sẽ xúng xính trong những bộ váy hoa sặc sỡ cùng nhau múa hát. Ông Hờ A Pàng chia sẻ:Khi mới biết thổi khèn thì không thể vừa múa vừa thổi được, mà phải thật sự đã am hiểu, đã thuộc về các giai điệu khèn mới múa theo tiếng khèn của mình được. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt.
Ngoài kia, hoa đào, hoa mận đang khoe sắc, nhà ai khèn đã ghép xong, quả Pao đã tròn trịa, chiếc váy mới đang phơi trên phiến đá, một mùa xuân mới lại về trên bản Mông. Tiếng khèn âm vang lúc trầm, lúc bổng khắp núi rừng gọi một mùa xuân mới về với nhiều hy vọng, cùng sự quyết tâm, đoàn kết vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn của cộng đồng dân tộc Mông nơi biên giới Nậm Pồ./.