Trải lòng giáo viên mầm non cắm bản
Thời gian đăng: 15/05/2018 07:58:11 AM

 

 

Tâm tư của cô giáo mầm non cắm bản nơi vùng cao biên giới có chút băn khoăn, trăn trở, nhưng trước hết vẫn là niềm tự hào về nghề, về tình cô trò “tự thân nó đã tốt đẹp và mãi là như thế”.

“Ơi cô giáo của bản mèo

Từ miền xuôi cô lên đây dạy chữ

Và niềm vui dạt dào bên vách núi

Tiếng học bài ríu rít tiếng chim ca”

57image001.jpg

Giờ hoạt động học tại điểm bản Pá Kha trường MN Nà Bủng

Theo chân đoàn công tác, chúng tôi đến thăm trường mầm non Nà Bủng trong những ngày cuối tháng 5. Thời điểm này cũng là thời điểm bận nhất trong năm vì đây là tháng cuối cùng của năm học. Các trường học đang chuẩn bị công tác kết thúc năm học. Tôi được phân công đến điểm bản Pá Kha cách điểm trường chính khoảng 12km đường rừng. Trên con đường nhỏ, quanh co mà chúng tôi thường gọi theo từ địa phương là đường “sống trâu” Trời lất phất mưa, đường trơn trượt phải đi khoảng 30 phút tôi mới đến điểm bản. Được biết trường mầm non Nà Bủng là một trong những trường thuộc trường khó khăn của huyện Nậm Pồ. Trường có 27 lớp học với 699 học sinh; có 27 phòng học trong đó kiên cố: 8 phòng; ba cứng: 19 phòng; có 27 giáo viên. Riêng điểm bản Pá Kha có 4 lớp học với 116 học sinh. Các lớp chủ yếu là lớp ghép 3 độ tuổi, giáo viên một cô đứng một lớp vì thiếu giáo viên. Có lên thăm chúng tôi mới thấy được sự vất vả của những giáo viên cắm bản mọi thứ thật ngoài sức tưởng tưởng của tôi: Thiếu nước sinh hoạt, không có điện lưới quốc gia, các thứ yếu phục vụ sinh hoạt phải mang lên từ đầu tuần, Diện tích lớp học nhỏ, học sinh thì đông, ngoài lớp học thì chỉ nhìn thấy núi trùng núi, mây trùng mây. … Cô giáo Lò Thị Tuyết chủ nhiệm lớp ghép tại bản Pá Kha chia sẻ “Sáng nào chúng em cũng dạy từ rất sớm để đi gọi và đón học sinh đến lớp, rồi mới thực hiện công việc chăm sóc và dạy học. Đến 10h chúng em dồn lớp lại để một cô đi nấu ăn và tổ chức cho các cháu ăn trưa. Sau đó các cô ngủ trưa cùng với trẻ tại lớp. Các cháu học sinh trong lớp lại học ghép từ các độ tuổi khác nhau lên rất khó khăn trong mọi việc rèn nền nếp và ý thức cho trẻ. Tất cả các hoạt động và sinh hoạt trên lớp đều cần sự hỗ trợ của giáo viên. Bản Pá Kha 100% dân tộc HMông lên phụ huynh còn phó mặc con cái mình cho giáo viên”.  

57image003.jpg

Giờ ăn tại trưa tại điểm bản Pá Kha trường MN Nà Bủng

57image005.jpg 

Giờ hoạt động ngủ trưa của cô giáo và các em học sinh điểm trường Pa Kha trường MN Nà Bủng

Trao đổi về đời tư của các cô giáo, tôi được hiểu thêm các cô giáo có tuổi đời còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất mới có 25 tuổi, có cô giáo còn chưa lập gia đình, tất cả đều ở lại điểm bản quấn quýt với bọn trẻ ….Thế đấy,  vì công việc các em đã xa quê hương lên đây nhận công tác và gắn bó với mảnh đất Nà Bủng biên giới xa xôi này. Tâm sự với các cô giáo tôi có hỏi: Những ngày đầu lên nhận công tác em thấy như thế nào? vậy em có ý định chuyển vùng về với bố mẹ và người thân không? Thế các em đã lập gia đình chưa? ….rất nhiều câu hỏi nặng lòng của tôi và đã được các em vừa kể vừa rơm rớm nước mắt. Cô giáo Lường Thị Phương chia sẻ “Những ngày đầu lên công tác em đã khóc rất nhiều phần vì nhớ nhà, phần là vì cuộc sống nơi vùng cao thiếu thốn đủ đường, áp lực vì học sinh đông, lại bộn bề công việc của trường, của lớp. Có lúc em cũng muốn bỏ việc để về làm ngoài được ở gần gia đình xong rồi những giây phút rối lòng lại bẫng quên đi khi ở bên bọn trẻ. Còn chuyện chồng con em cũng chưa nghĩ đến…..Ở đây chúng em luôn được các chị trong ban giám hiệu, đồng nghiệp động viên, giúp đỡ rồi em cũng quen với cuộc sống nơi này và đặc biệt là yêu lũ trẻ con vùng cao nơi đây các con chính là nguồn năng lượng cho em vượt qua mọi khó khăn”.

Không chỉ có những cô giáo ở điểm bản Pá Kha của trường mầm non Nà Bủng. Tôi còn được biết rất nhiều trường cũng có nhiều giáo viên cắm ở những điểm bản xa như điểm Sìn Thàng trường mầm non Chà Tở, điểm trường Huổi Noỏng trường mầm non Nậm Khăn, điểm bản Huổi Quang trường mầm non Pa Tần…. Cũng đang gồng mình lên với khối lượng công việc và lủi thủi khi màn đêm buông xuống không biết chia sẻ cùng ai. Trên con đường gieo cái chữ của các thầy cô giáo trên mảnh đất Nậm Pồ này, tôi vẫn muốn nói rằng giáo viên mầm non là một nghề thật đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ “giáo dục” mà còn “chăm sóc”. Khó khăn chồng chất khó khăn vậy mà các cô vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

57image007.jpg

Được biết, những năm học trước các cô giáo đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và trong đó có cô giáo Lò Thị Tuyết còn được nhận giấy khen của UBND huyện Nậm Pồ khen tặng. Giá trị của phần thưởng tuy không lớn nhưng là động lực khích lệ, động viên tinh thần thi đua cho các cô giáo cắm bản nơi vùng cao. Trong lòng mỗi giáo viên đều cảm thấy được sự trân trọng và cảm thấy biết ơn. Trong năm học 2017-2018 này sự nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ của các cô giáo cũng sẽ được các cấp lãnh đạo ghi nhận và động viên kịp thời. Từ đó sẽ là động lực để các cô giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục chung của Huyện nhà.


           Ra về khi hoàng hôn buông xuống, tôi thoảng nghe đâu đây những câu hát thân thương:

“Mơ từng ngày nào, em bên mái trường Mầm non
Bên bao thương yêu sớm chiều từng con gọi mẹ
Sao mà yêu thế bao nhiêu ánh mắt xoe tròn
Vì yêu các con em là cô giáo Mầm non”.

Tin tưởng rằng những lời chia sẻ mộc mạc này sẽ góp phần nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của xã hội để có nhiều cái nhìn mới, đa chiều về một nghề đó là nghề giáo viên mầm non./.

 

 

Thương Hoàng - Phòng giáo dục và đào tạo
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên