Trạm khuyến nông- khuyến ngư - địa chỉ tin cậy của nông dân huyện Nậm Pồ
Thời gian đăng: 04/08/2017 04:20:30 PM

 

Sau 2 năm đi vào hoạt động, viên chức, nhân viên Trạm khuyến nông – khuyến ngư huyện Nậm Pồ đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, từng bước củng cố cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động để tập trung vào hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.  Đặc biệt, Trạm chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông. Nhờ vậy, người dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gian nan buổi đầu thành lập

Trạm khuyến nông – khuyến ngư (KN-KN) huyện Nậm Pồ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2015. Những ngày đầu thành lập còn nhiều khó khăn và thách thức: ít biên chế (chỉ có 1 phó trưởng trạm phụ trách, 1 kế toán và 6 nhân viên kỹ thuật), cán bộ trẻ ít kinh nghiệm; thiếu cơ sở vật chất; ngân sách lại hạn hẹp. Song bằng tình yêu nghề, viên chức, nhân viên Trạm KN-KN luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Để đảm bảo hoạt động, Trạm đã mượn 4 ha đất trống ở xã Nà Hỳ làm cơ sở tạm tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ. Ông Nguyễn Duy Thương – Phó Trạm KN-KN kể lại: Ngày mới thành lập trạm không có điện, đường vào trạm khó khăn, không nước sinh hoạt. Vì vậy, việc đầu tiên trạm phải ổn định về cơ sở vật chất, ngân sách hạn hẹp, trạm tập trung vào khai hoang làm nhà trạm, nhà công vụ, đồng thời, cải tạo đất để làm vườn ươm.

 Giang-khuy-n-n-ng-2.jpg

Viên chức Trạm KN-KN cải tạo đất để nhân giống các loại cây

Giang-khuy-n-n-ng-3.jpg

Trạm KN-KN cơ sở 2 đặt tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ

Giang-khuy-n-n-ng-3-Copy.jpg

Cơ sở 3 Trạm KN-KN huyện đặt tại bản Đề Pua – xã Phìn Hồ

Ngay trong 1 năm đầu thành lập, Trạm đã củng cố ổn định bộ máy cán bộ, xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất chủ yếu bằng công tác xã hội hóa và ngày công lao động của cán bộ, viên chức tại trạm. Hiện nay, với 3 cơ sở: cơ sở 1 đặt tại khuôn viên UBND huyện là nơi điều hành chung của Trạm; cơ sở 2 đặt tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ gồm hệ thống nhà công vụ, vườm ươm có diện tích khoảng 4 ha và cơ sở 3 đặt tại bản Đề Pua, xã Phìn Hồ với hệ thống nhà trạm, vườn ươm chuyên nghiên cứu, phát triển các giống cây xứ lạnh.

Nhân giống cỏ hướng tới mục tiêu phát triển ổn định đàn đại gia súc

Trong năm đầu thành lập, Trạm KN-KN huyện đã nhân giống thành công giống cỏ VA06, là giống cỏ đầu tiên du nhập vào huyện Nậm Pồ. Câu chuyện “chở cỏ về rừng” của đồng chí Phó Trạm KN-KN huyện xuất phát từ mục đích phát triển ổn định đàn gia súc trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Duy Thương chia sẻ: Huyện Nậm Pồ có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, người dân còn chăn nuôi dựa vào nguồn cỏ tự nhiên, mùa đông không có nguồn cỏ dự trữ cho đàn trâu, đàn bò sẽ rất dễ gặp rủi ro. Trong khi đó, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản lớn của người dân, mong muốn hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trên đàn đại gia súc trong mùa đông, tôi đã liên hệ với giáo sư Trần Lệ ở Pa Khoang để xin giống cỏ về huyện nhân giống. Sau khi nhân giống thành công thì gửi về các địa phương để trồng.

Giang-khuy-n-n-ng-4.jpg

Các đại biểu tham quan vườn ươm cỏ Voi VA06 tại Trạm KN-KN cơ sở 2 đặt tại xã Nà Hỳ

Sau 2 năm triển khai, hiện nay, toàn huyện đã có trên 30ha trồng cây cỏ voi để dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông. Gia đình ông Lò Văn Dẹn, ở bản Tân Lập xã Si Pa phìn chăn nuôi đàn đại gia súc với quy mô trên 30 con trâu, bò. Ông Dẹn kể lại: Từ khi Trạm KN - KN huyện nhân giống thành công giống cỏ VA06, gia đình ông xin về trồng để làm nguồn cỏ dự trữ cho đàn trâu bò vào mùa đông. Mùa đông năm 2016, khi nhiệt độ xuống quá thấp, không thả trâu bò ra bãi chăn thả được may mà có đồi cỏ tự trồng, chứ không thì không biết cắt cỏ ở đâu về cho trâu bò ăn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng cỏ voi đối với phát triển ổn định đàn đại gia súc, hiện nay, gia đình ông đã trồng được hơn 1 ha cỏ voi làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc vào mùa đông. Ông Dẹn còn cho biết thêm: Ban ngày ông chăn thả đàn gia súc trên đồi, chiều về cắt cỏ Voi để làm thức ăn dữ trữ cho đàn bò. Cỏ voi giàu chất dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng đàn gia súc.

Giang-khuy-n-n-ng-5.jpg

Ông Lò Văn Dẹn, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn ứng dụng cỏ voi trong chăn nuôi đàn gia súc

Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật mới đến người dân

Một trong những mô hình trình diễn mà Trạm KN-KN huyện Nậm Pồ tổ chức thành công nhất là mô hình nuôi gà xu giống gà xương đen. Trước năm 2016, đối với đại đa số người dân bản Tân Hưng, giống gà này còn khá xa lạ. Bởi vì từ trước đến nay, dân bản chỉ nuôi các giống gà địa phương phục vụ nhu cầu của gia đình. Năm 2016, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, Trạm KN-KN huyện Nậm Pồ triển khai mô hình nuôi gà xương đen tại bản Tân Hưng với quy mô 15 hộ dân tham gia.  Mỗi hộ được hỗ trợ 100 con gà giống, làm chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau 4 tháng nuôi giống gà mới theo phương pháp mới, tỷ lệ gà sống đạt gần 100%, gà không bị dịch bênh, trọng lượng trung bình đạt 1,8-2,5kg/con. Ông Trương Văn Tiến, người dân bản Tân Hưng cho biết: Trước đây, tôi cũng như bà con bản Tân Hưng chủ yếu nuôi các giống gà địa phương theo phương thức chăn thả rông, chủ yếu để cải thiện bữa ăn gia đình. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn tiếp cận với cách thức chăn nuôi mới với giống gà mới vừa chất lượng, vừa cho hiệu quả kinh tế. Hiện nay, giá bán gà xương đen từ 180.000- 200.000 đồng/kg. Với điều kiện hiện tại, gia đình tôi chưa thể mở rộng mô hình nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì đàn gà xương đen, vừa phục vụ gia đình, vừa nâng cao thu nhập

 

Giang-khuy-n-n-ng-6.jpg 

Mô hình gà lai chọi triển khai tại xã Phìn Hồ

Những năm qua, xác định vấn đề trọng tâm là phải làm cho người dân thay đổi tư duy, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, huyện Nậm Pồ đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để Trạm KN-KN tổ chức nhiều lớp tập huấn, mô hình trình diễn giúp người dân tiếp cận với phương pháp nuôi trồng mới; trang bị kỹ thuật thâm canh, kiến thức phòng chống dịch bệnh; cung cấp các thông tin về nhu cầu của thị trường nông sản... Ông Nguyễn Duy Thương, Phó trưởng Trạm KN-KN huyện Nậm Pồ cho biết: Cùng với các nhiệm vụ khác trong ngành nông nghiệp, việc triển khai, chuyển giao khoa học – kỹ thuật qua các mô hình trình diễn là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cán bộ khuyến nông. Đối với các mô hình khuyến nông, quan trọng nhất là giai đoạn khảo sát, thống kê nhu cầu và hướng dẫn người dân chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai mô hình. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất đối với cán bộ khuyến nông bởi địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, lực lượng khuyến nông mỏng. Tuy nhiên, những năm qua, Trạm KN-KN huyện Nậm Pồ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, cố gắng triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả đến với người dân.

Giang-khuy-n-n-ng-7.jpg

Mô hình lúa Nhị ưu 838 cho năng suất cao

 Giang-khuy-n-n-ng-8-Copy.jpg

Mô hình sa nhân xanh ở Nậm Khăn

Sau 2 năm thành lập, Trạm KN-KN huyện đã tổ chức 40 lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản cho gần 1.300 lượt nông dân tham gia. Đồng thời, triển khai 8 mô hình trình diễn khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế, hiện đang được duy trì và nhân rộng. Điển hình như: mô hình nuôi gà xương đen tại bản Tân Hưng (xã Si Pa Phìn); nuôi gà lai chọi tại bản Đệ Tinh 2 (xã Phìn Hồ); mô hình thí điểm trồng cây sa nhân xanh tại 2 xã: Nà Bủng và Nậm Khăn; mô hình nuôi cá thương phẩm tại Chà Tở, Nậm Chua…

Ngoài triển khai các mô hình giống cây, con nông nghiệp, 2 năm qua, Trạm KN-KN huyện còn thí điểm ươm một số giống cây ăn quả như bưởi, ổi, mận ham xong, nhãn,v.v...; cây lâm nghiệp như thông, vối thuốc, keo, anh đào, tếch để cấp (không thu tiền) cho bà con trong huyện, hướng dẫn kỹ thuật ươm cây lâm nghiệp nhằm vận động khuyến khích bà con tận dụng đất lâm nghiệp của gia đình, tự làm giống cây phát triển rừng. Kết quả đã ươm và cấp phát cây giống lâm nghiệp cho các xã, nông dân và trường học: 10.600 cây thông, 10.600 cây keo, 600 cây ban, 4.100 cây vối thuốc. 300 cây anh đào.

Giang-khuy-n-n-ng-9.jpg

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân  xã Nậm Nhừ

Với cách làm sáng tạo, coi trọng chất lượng, công tác khuyến nông huyện Nậm Pồ đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực, tạo mô hình trang trại, gia trại cho nông dân học tập, lan tỏa nhiệt huyết lao động sản xuất cho các địa phương, cho cán bộ và nông dân, góp phần đáng kể trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật; đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ đó nông dân nhìn vào và học hỏi cụ thể để tự vận động hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập./.

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên