Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trong đó, Nghị định quy định rõ UBND cấp xã có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước khu dân cư.
Nhằm quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, ngày 16/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư để thay thế Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2023.
Ảnh nguồn Internet
Theo đó, kể từ ngày Nghị định số 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực, UBND cấp xã sẽ có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước khu dân cư theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 61/2023/NĐ-CP.Hương ước, quy ước được công nhận phải đảm bảo các điều kiện về phạm vi nội dung, hình thức và nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này. Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận.
Trước khi ký công nhận, UBND cấp xã cần xem xét trình tự, thủ tục công nhận hương ước, quy ước phải thực hiện theo quy định sau: “Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước tới Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư thông qua hương ước, quy ước hoặc ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu; Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu trình UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận trong thời hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị; trường hợp cần thiết, công chức Văn hóa - Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì họp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư để xem xét, quyết định công nhận. Quyết định công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này”.
Trường hợp không công nhận hương ước, quy ước thì UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Về hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước bao gồm:
1. Văn bản đề nghị công nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
2. Nghị quyết hoặc biên bản cuộc họp hoặc biên bản lấy ý kiến thông qua hương ước, quy ước theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
3. Dự thảo hương ước, quy ước đã được thông qua./.