Người Dao đỏ ở Nậm Pồ sinh sống ở các bản: Huổi Sâu - xã Pa Tần, Huổi Cơ Dạo, Sín Chải 1, Sín Chải 2 - xã Nà Hỳ và Vàng Đán - xã Vàng Đán với tổng số hộ 352 hộ, trên 2.100 nhân khẩu. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được cải thiện và ngày càng phát triển, người Dao đỏ đã sinh sống hội nhập cùng các dân tộc khác như Mông, Thái, Khơ Mú... trên địa bàn, tuy nhiên không vì thế mà nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của họ bị mai một đi mà cái hồn văn hóa dân tộc vẫn đang được bà con nơi đây chung tay giữ gìn.
Người Dao đỏ bản Huổi Sâu, xã Pa Tần tranh thủ những ngày nghỉ, lễ, tết thêu trang phục truyền thống
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác trên địa bàn huyện, Người Dao đỏ ở Nậm Pồ dù trải qua bao thế hệ, đời sống vật chất được nâng cao, kinh tế nhà nào cũng phát triển hơn trước, bà con được tiếp cận văn hóa văn minh hơn. Nhiều nhà đã mở hàng quán kinh doanh, buôn bán nông sản theo hướng hàng hóa…nhưng vẫn gìn giữ, sáng tạo và phát triển vốn văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng, đậm nét, đặc trưng riêng có của người Dao, như: ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, mỹ thuật. Được may mắn nhiều lần chứng kiến Cộng đồng người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần đón Xuân theo tập tục truyền thống của tổ tiên và được lưu truyền với những nét độc đáo rất riêng của dân tộc và Tết nhảy lửa là một nghi lễ không thể thiếu đối với đồng bào Dao đỏ ở nơi đây. Ông Chảo Tràn Phin, thầy Cúng bản Huổi Sâu, xã Pa Tần chia sẻ:Tết nhảy lửa được mỗi dòng họ tổ chức 2 - 3 năm một lần hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào điều kiện của từng họ, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe; tết nhảy lửa được tổ chức vào ngày mùng 1 tết, tại nhà trưởng họ.
Phần cắt tiết gà tế Tổ tiên trong “Tết nhảy lửa’ của người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần
Người Dao đỏ ở Nậm Pồ không chỉ gìn giữ được các nghi lễ, thờ cúng, ma chay, cưới hỏi … mà còn lưu giữ và phát huy thêu, may những bộ trang phục truyền thống. Nếu có dịp đến thì dễ dàng nhìn thấy trang phục truyền thống được hầu hết người Dao đỏ trong bản Huổi Cơ Dạo - xã Nà Hỳ mặc trên người, từ người già đến thanh niên trẻ tuổi, nam giới hay nữ giới, ai cũng mặc trang phục truyền thống dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ Dao đỏ mặc trang phục khá cầu kì với áo, váy nền màu đen chủ đạo, kèm theo những đường họa tiết bằng chỉ đỏ, trắng, vàng, xanh được thêu tinh tế và các trang sức bằng bạc, khiến bộ trang phục trở nên nổi bật, độc đáo, nhưng vẫn tiện lợi trong việc lao động hàng ngày. Riêng trang phục của nam giới thì đơn giản hơn, chỉ là quần, áo màu đen với hàng cúc cài bằng vải cuốn. Bà Phùng Mể Sỉn, bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳcho biết: Các trang phục truyền thống này đều do phụ nữ trong bản tôi tự thêu, may cho bản thân và người trong gia đình. Ngoài công việc nương rẫy, bếp núc hàng ngày, cứ rảnh rỗi là chúng tôi đều tận dụng ngồi may vá, thêu thùa trang phục truyền thống.
Những bộ trang phục của phụ nữ Dao đỏ ở bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ được thêu – may hoàn chỉnh
Bên cạnh đó, người Dao đỏ cũng có chữ viết riêng và có nhiều người còn lưu giữ rất nhiều văn tự, tài liệu về chữ viết của dân tộc mình. Ông Lý A Pà, 64 tuổi, một già làng trong bản, dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn mò mẫn với những quyển sách chữ nho được ông viết từ nhiều năm trước. Chữ nho được sử dụng để thu lại các lễ cúng ma chay, xem ngày lành tháng tốt, cưới hỏi….
Chữ viết (chữ nho) của dân tộc Dao đỏ ở Nậm Pồ
Hiện nay, Người Dao đỏ huyện Nậm Pồ chiếm hơn 4% dân số toàn huyện, sinh sống ở các bản: Huổi Sâu - xã Pa Tần, Huổi Cơ Dạo, Sín Chải 1, Sín Chải 2 - xã Nà Hỳ và Vàng Đán - xã Vàng Đán với tổng số hộ 352 hộ, trên 2.100 nhân khẩu. Là dân tộc thiểu số đông thứ 3 sau dân tộc Mông, Thái. Qua kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2016, dân tộc Dao đỏ có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: lễ cấp sắc, hát giao duyên (Pảo dung), tết nhảy lửa, cúng cơm mới, cúng cho phụ nữ có thai, … Một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho người Dao ở đây chính là bộ trang phục truyền thống.
Ông Phan Ngọc Linh, Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nậm Pồ cho biết:Trong thời đại văn hóa hội nhập hiện nay, đây là điều hết sức đáng quý. Đáng quý hơn là việc họ có ý thức truyền dạy lại văn hóa, phong tục cho các thế hệ con cháu, để lưu giữ được nét độc đáo truyền thống của dân tộc qua bao đời. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta “thờ ơ” với việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đó. Ngày nay, một số tục lệ lâu đời của người Dao đỏ đang có dấu hiệu mai một do thế hệ trẻ chưa mặn mà trong việc lưu giữ. Chính vì thế ngành văn hóa và các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể; đồng thời tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao liên quan tới lễ hội hoặc trò chơi dân gian để văn hóa dân tộc Dao được cả cộng đồng chung tay lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc ở Nậm Pồ. /.