Văn hóa Nậm Pồ - 10 năm xây dựng và phát triển
Thời gian đăng: 21/06/2023 08:58:59 AM

          Huyện Nậm Pồ được thành lập theo Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 25/8/2012 của Chính phủ “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên”, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện Mường Nhé và Mường Chà; huyện có 08 dân tộc chủ yếu sinh sống trên địa bàn; đời sống văn hóa có những nét đặc trưng của vùng đồng bào khu vực Tây Bắc, bên cạnh đó mỗi dân tộc đều có những sắc thái văn hóa riêng, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Đây là một lợi thế lớn để khai thác phục vụ phát triển du lịch, song cũng đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng trong vấn đề giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn huyện.

          Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, lĩnh vực văn hóa của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc diễn ra sôi nổi, chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, tỉnh và huyện. Trong đó, huyện đã tổ chức thành công Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ I (năm 2022) và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ I với chủ đề “Sắc xuân Nậm Pồ” (năm 2023). Các ngày hội thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia, với các hoạt động hấp dẫn như thi giã bánh dày, liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi ẩm thực, đẩy gậy, kéo co, ném pao, ném còn, đánh cầu lông gà, hát giao duyên, … Đồng thời, giới thiệu, quảng bá văn hóa, sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

194.jpg

Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ I

          Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân, giai đoạn 2013 - 2023, huyện tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nếu như thời điểm thành lập, toàn huyện chỉ có 20/127 bản có nhà văn hóa thì đến năm 2023, huyện có 42/121 bản có nhà văn hóa; 01 nhà tập luyện và thi đấu cầu lông, với 04 sân đạt chuẩn theo quy định; 02 sân bóng chuyền ngoài trời. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, trong đó, việc xây dựng “Bản văn hóa” được xem là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa mới. Việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa hằng năm được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ, thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Tính đến năm 2023, toàn huyện có 7.239/11.840 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm tỷ lệ 64,46%; tăng 26,04% so với năm 2013); 78/121 bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa” (chiếm tỷ lệ 64,46%; tăng 40,46% so với năm 2013); và 86/89 cơ quan đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị văn hóa” (chiếm 96,62%; tăng 64,62% so với năm 2013). Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phần lớn các đám cưới, đám tang, lễ hội được tổ chức đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc. Các hoạt động thể dục, thể thao cũng được khơi dậy ở tất cả các xã, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe; đồng thời, huyện tổ chức thành lập các đội tham gia các cuộc thi đấu do tỉnh tổ chức và đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiêu biểu như: tham gia Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần X, XI: đạt giải nhất toàn đoàn khối các huyện vùng cao, giải ba toàn đoàn đại hội (năm 2018); đạt giải nhất toàn đoàn khối các huyện vùng cao (năm 2022); ....Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì phát triển, hiện nay, toàn huyện có 58 đội văn nghệ quần chúng với 832 thành viên.

195.jpg

          Hoạt động văn hóa cộng đồng ngày Tết tại bản Nà Khuyết, xã Chà Cang

Cùng với việc hình thành các giá trị văn hóa mới, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở luôn đề cao vai trò quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt, bám sát Nghị quyết số 17-NQ/HU ngày 20/6/2021 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025”. Huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Tính đến năm 2023, huyện có 04 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội “Tết hoa mào gà”, Múa của người Khơ Mú, Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang), Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông). Cùng với đó, huyện tiến hành rà soát, kiểm kê các nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, trong đó có 04 nghệ nhân (gồm: Lý Lìn Siểu (Nà Hỳ), Chảo Trần Phin (Pa Tần), Hảng A Pàng, Hảng A Sàng (Nà Khoa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Hằng năm, huyện duy trì tổ chức lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao và lễ hội “Tết hoa mào gà” của dân tộc Cống. Trong năm 2022, huyện tổ chức phục dựng thành công lễ hội Gầu tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng.

          Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch được huyện quan tâm, chú trọng; đặc biệt là đầu tư sản phẩm du lịch gắn với đặc thù của huyện được quan tâm, triển khai và tập trung vào nhóm: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; đã thu hút được lượng lớn du khách và người dân quan tâm đến tham quan và trải nghiệm. Hiện nay, huyện Nậm Pồ đang tập trung xây dựng du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa gắn với điểm dừng chân trên tuyến du lịch Thành phố Điện Biên Phủ - A Pa Chải (Mường Nhé), bản bắt đầu đón khách từ ngày 16/10/2022.

196.jpg

Bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa

          Từ những thành tựu trên, có thể thấy trong 10 năm qua, việc thực hiện các nhiệm vụ văn hóa trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, công tác triển khai bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện; việc thực hiện bảo tồn và phát huy văn hoá đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, có tác dụng tích cực tới kinh tế - xã hội của huyện. Thông qua việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, đã tranh thủ vận động được nguồn vốn xã hội hóa từ Nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hóa. Các đội văn nghệ quần chúng cơ sở góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, là nơi truyền thụ những nét văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phòng Văn hoá và Thông tin
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên