Vào giữa tháng 5, mận hậu, mận tam hoa chưa chín rộ đỏ cành nhưng đã vào mùa quả chín. Nếu mùa xuân hoa mận trắng rừng, trắng đất, trắng trời... đẹp mê hồn bao nhiêu thì vào mùa hạ, mận lại mê dụ người ta trong vườn cây trĩu quả bấy nhiêu và những ngày này tại xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) mận tam hoa của người Mông nơi đây đang vào mùa quả chín. Do thời tiết thuận lợi, quả mận được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi.
Đôi vợ chồng người Mông thu hoạch mận tam hoa đầu mùa
Đến xã Vàng Đán, đi vào các bản Ham Xoong 1, Ham Xoong 2, Vàng Đán, Huổi Dạo, Huổi Khương trong những ngày tháng 5 này, không khó để nhìn thấy hình ảnh người dân đang phấn khởi hái mận trong vườn hoặc sau các sườn đồi. Nhìn những quả mận tam hoa căng mọng, trĩu trịt trên cành mà thấy vui. Ở xã Vàng Đán, hầu như nhà nào cũng trồng mận, ít thì vài gốc nhiềuvài chục gốc. Những năm gần đây, mận ở xã Vàng Đánđược người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế thu được từng bước đi vào ổn định, vì thế mỗi một năm số lượng cây trồng, cũng như sản lượng mận trong xã cung ứng cho thị trường tăng lên. Thời gian này là thời điểm đầu mùa mận chín nên khi bà con thu hái xong đến đâu bán đến đó, bắt đầu xuất hiện thương lái đến thu mua hoặc đặt qua điện thoại. Giá bán năm nay dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, mang lại kinh tế khá đáng kể cho những hộ gia đình trồng mận.
Những cành mận tam hoa trĩu quả đang vào độ chín
Theo người dân sinh sống tại đây, cuối tháng 5, đầu tháng 6 là lúc mận tam hoa vào vụ chín, do đó, đi tới đâu cũng thấy những cây mận trĩu quả. Để có thể ngắm nhìn trực tiếp những quả mận chín đỏ trên cây và hiểu hơn về nguồn gốc của nó, tôi đã ghé thăm vườn mận của gia đình ông Tráng A Chu tại bản Ham Xoong 2, xã Vàng Đán.
Ông Tráng A Chu đang kiểm tra trái mận tam hoa của gia đình
Ông Tráng A Chu kể rằng, hơn 20 năm về trước khi chúng tôi di cư từ Lào Cai sang đây đã mang theo giống mận tam hoa lên trồng ở vùng đất này. Do phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây nên giống mận này phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và đặc biệt, quả mận ở bản Ham Xoong này to, giòn, ngọt và róc hạt nên ai cũng thích ăn. Năm nay, gia đình ông có trên chục gốc mận cho thu hoạch và nhận thấy được giá trị kinh tế từ cây mận mang lại, vợ chồng ông cũng đang chiết cành để nhân rộng thêm vườn mận của gia đình. Ông Chu cũng cho biết: Bây giờ mận mới bắt đầu chín thôi, nhưng đã có nhiều cán bộ huyện đặt mua rồi, tôi hẹn 1 tuần nữa mới hái gửi để đảm bảo mận chín tới, ngon không chua cho mọi người.
Khi chín, mận Ham Xoong có đặc điểm là căng bóng, ngọt, róc hạt và to đều nên được nhiều người ưa thích
Cùng bản với ông Chu, anh Giàng A Quẩy chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi có 13 gốc mận tam hoa đang cho thu hoạch, mọi năm gia đình tôi bán được trên 600kg với giá 20.000 đồng/kg thì tôi thu về khoảng 15 triệu đồng. Vào lúc quả mận chín quá không bán hết thì rơi nhiều tiếc lắm, mong được sự quan tâm của chính quyền địa phương tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để tôi và người dân yên tâm nhân rộng thêm mô hình trồng mận tam hoa trên địa bàn.
Ông Giàng A Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Vàng Đán cho biết: Hiện nay, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới, xã Vàng Đán lựa chọn mận tam hoa ở Ham Xoong để phát triển thành sản phẩm thương hiệu đặc trưng của địa phương. Được sự quan tâm của các phòng ban chuyên môn huyện, xã đã triển khai trồng và tiến hành ghép cải tạo được 1.300 cây mận tại 3 hộ gia đình ở bản Ham Xoong 2 và năm nay đã ra quả cho thu hoạch.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc nhân rộng mô hình, kết nối, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, thì trong thời gian không xa, cây mận ở xã Vàng Đán sẽ trở thành một trong những cây trồng chính, đem lại giá trị kinh tế lâu dài và giúp bà con xã Vàng Đán từng bước nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo./.