Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày tháng 8, 9 âm lịch hàng năm, khi các cánh đồng lúa đến mùa thu hoạch cũng là lúc Lễ “Kin khẩu mấu” – Lễ mừng cơm mới của người Thái Ba Chà bắt đầu. Người Thái quan niệm, để có một vụ mùa bội thu thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Vì vậy, trước khi thu hoạch vụ mùa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Đây là truyền thống đặc sắc và là sản phẩm tinh thần có từ lâu đời vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay.
Mâm cơm mừng lúa mới
Cũng như bao hộ gia đình trong bản, gia đình anh Lò Văn Chiên, bản Pa Tần, xã Pa Tần đang tất bật chuẩn bị cho thu hoạch vụ mùa. Anh Chiên cho biết: Năm nay gia đình tôi được mùa lúa mới, trước khi thu hoạch thì gia đình cũng chuẩn bị bữa cơm cúng lúa mới vừa để mừng một mùa màng bội thu, vừa để tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho gia đình cũng là mong cho vụ mùa tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Được biết, phong tục mừng lúa mới của người Thái có từ bao đời nay và được người Thái Ba Chà rất coi trọng. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến đâu, con cháu ở xa cũng háo hức và cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong ngày cơm mới.
Lễ cúng cơm mới được diễn ra trong một ngày khi gia chủ đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật. Lễ cúng được thực hiện tại gian thờ tổ tiên trong nhà. Theo anh Chiên cho biết, ngoài những lễ vật như: Lợn, gà, trên mâm lễ dâng lên tổ tiên còn có bát cơm mới mang đặc trưng của người Thái. Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy, khi ngắt lúa về, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng và hạt chưa chín hết, khi làm hạt cốm vừa dẻo vừa thơm. Cơm để cúng lúa mới gặt khi còn non, mới chín 2/3 thì gặt về, tuốt ra và phơi cho khô rồi cho vào chõ sôi lên cho chín rồi đổ ra phơi nắng cho khô để giã làm xôi cốm (khảu hang). Điều đặc biệt trong mâm cúng lúa mới của người Thái Ba Chà, lễ vật không thể thiếu đó là “Meng Cúng” – con dế mèn. Trong phong tục cúng cơm mới của người Thái, con dế mèn tượng trưng cho “tu trạng, tu khoai khoong phi đẳm” – tức là tượng trưng cho sức mạnh của con voi, con trâu của ông bà, tổ tiên ở thế giới bên kia bảo vệ mùa màng cho con cháu. Khi con dế mèn cất tiếng kêu cũng là lúc báo hiệu cho mùa gặt sắp đến. Vì thế, đêm trước hôm làm lễ cúng cơm mới, gia chủ sẽ bắt từ 3 đến 5 con dế mèn bỏ vào ống nứa hoặc giỏ để hôm sau nấu chín và cho lên mâm cúng với ý nghĩa tạ ơn ông bà, tổ tiên đã che chở, báo hiệu một mùa màng bội thu sắp đến. Đây là phong tục đẹp, riêng biệt của người Thái Ba Chà, không lẫn với bất cứ nơi nào.
“Hôm nay ngày lành tháng tốt, lúa mới đã chín, con cháu trong gia đình có rượu, gà và cơm mới thơm kính dâng lên ông bà, tổ tiên. Vậy kính mời ông bà tổ tiên về cùng ăn, ăn rồi thì hãy phù hộ, che chở cho con cháu mùa màng bội thu, ruộng lúa tươi tốt hơn nữa, gia đình mạnh khỏe, con cháu chăm ngoan, học giỏi, công tác thành đạt” – Đó là lời khấn của ông Tao Văn Vin – bản Cấu, xã Chà Nưa khi tổ chức cúng mừng cơm mới.
Trong lễ cơm mới, gia đình thường mời anh em, họ hàng, làng xóm hoặc bạn bè thân thiết đến chung vui với mong muốn có nhiều khách đến dự thì vụ mùa sang năm sẽ được bội thu hơn, và đây cũng là dịp để gia đình, họ hàng gặp gỡ, chia sẻ công việc, thắt chặt tình đoàn kết. Tuỳ theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình.
Lễ mừng cơm mới tồn tại lâu đời trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái Ba Chà. Trong nhịp sống hiện đại, người Thái nơi đây vẫn lưu giữ, phát huy được nét văn hóa đặc sắc đó như ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu./.