Xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch bị xử lý như thế nào ?
Thời gian đăng: 08/09/2017 05:53:38 PM

          Ngày 04/9/2015, UBND tỉnh Điện Biên đã ra Quyết định số 797/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị huyện lỵ Nậm Pồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Đô thị huyện lỵ Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên là 400ha, nằm trên địa bàn các bản: Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ; bản Phiêng Ngúa, bản Nậm Ngà 1, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua và bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa. Như vậy, đồng nghĩa với việc các hộ dân trong vùng quy hoạch không được xây dựng nhà ở và các công trình trên đất quy hoạch.

Giai-toa-1.jpg

Một số hộ gia đình ở bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua cố tình xây dựng nhà trên đất quy hoạch

Giai-toa-2.jpg

Xã Nậm Chua cần tăng cường quản lý hiện trạng quy hoạch, xử lý nhiêm các hoạt động xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch đô thị huyện lỵ Nậm Pồ

          Phạm vi quy hoạch đô thị huyện lỵ Nậm Pồ chủ yếu nằm trên địa bàn xã Nậm Chua (các bản: Nậm Ngà 1, Nậm Ngà 2 và bản Phiêng Ngúa). Thời gian qua, mặc dù đã được cơ quan chức năng của huyện và xã Nậm Chua công bố quy hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên, một số hộ dân vẫn cố tình dựng nhà ở trái phép trên đất quy hoạch. Về những trường hợp vi phạm này, pháp luật xử lý như thế nào ?. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu !

          Hỏi: Trường hợp xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã được công bố quy hoạch thì bị xử lý như thế nào ?

          Trả lời: 

          Căn cứ Điều 49 Luật đất đai năm 2013: “Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

          Như vậy, đối với một số hộ gia đình ở bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, về nguyên tắc không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm trên đất. Việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà ở hiện có phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Giai-toa-3.jpg

Huyện Nậm Pồ kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên đất quy hoạch

          Ngoài ra, căn cứ vào khoản 8, điều 11, Nghị định 23/2009 của Chính phủ thì chủ đầu tư (hộ gia đình) vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại điều 12, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ. Tại điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định về Xử lý công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng như sau:

          Những công trình không được phép xây dựng bị xử lý như sau:

          a) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;

          b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;

          c) Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

          Khoản 6, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

          a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;

          b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;

          c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

          Khoản 3, Điều 27, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Tại điểm a, Khoản 4, Điều 27, Nghị định 121 quy định: Nếu người trực tiếp thi công xây dựng tiếp tục thi công xây dựng công trình đã bị cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ thi công thì bị xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.

          Như vậy, việc các hộ gia đình tự ý thực hiện xây dựng mới, cơi nới nhà ở,  tường rào, kiến trúc mà không có giấy phép xây dựng và các nhà thầu hoặc cá nhân trực tiếp thi công xây dựng đối với các công trình không có giấy phép là vi phạm trật tự xây dựng, hành vi vi phạm này bị xử lý tháo dỡ công trình và bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ./.

 

Văn Toán - Đài TT.TH Nậm Pồ
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên