Người cao tuổi vốn được ví như “cây cao bóng cả” dìu dắt con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Đồng thời với xã hội, các cụ còn là những nhân tố góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Phát huy vị trí, vai trò này, Hội người cao tuổi xã Chà Nưa đã và đang giữ lấy nghề truyền thống mây tre đan của dân tộc Thái, vừa bảo tồn lại những sản phẩm tinh hoa của dân tộc, vừa tạo được nguồn thu nhập cho tuổi già.
Ông Thùng Văn Bun ở bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa năm nay đã 84 tuổi, nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài vót từng nan tre, tỉ mẩn từng công đoạn để làm nên những chiếc bàn ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Ông chia sẻ: trong nếp nhà sàn truyền thống của người Thái không thể nào thiếu những chiếc bàn ăn được làm từ mây tre đan. Chiếc bàn này không chỉ thể hiện được nét sinh hoạt truyền thống của người Thái cổ xưa mà nó còn khá tiện lợi cho sinh hoạt như dễ dàng di chuyển; thuận tiện lau rửa. Chiếc bàn cùng với ghế mây tạo nên không gian bếp ấm cúng trong nếp nhà sàn, là nơi quây quần của gia đình sau cả ngày lao động, học tập. Cùng với đó, với suy nghĩ tuổi cao không còn lao động nặng nhọc được nữa nên theo nghề mây tre đan này vừa được vận động nhẹ nhàng, lại có thu nhập, tạo ra được những sản phẩm cho con cháu sử dụng và có thể bán ra thị trường. Đó cũng là niềm vui của tuổi già.
Ông Thùng Văn Bun ( Bản Nà Ín, Chà Nưa) miệt mài làm bàn ăn truyền thống của dân tộc Thái
Còn ông Tao Văn Bun ở Bản Cấu, xã Chà Nưa đã nhiều năm nay vẫn lặng lẽ tự trồng cây chít để lấy bông, sau đó tự tay làm nên những chiếc chổi chít bền đẹp, bán cho bà con, hàng xóm. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những người có tay nghề làm ghế mây đẹp nhất vùng Ba Chà. Đối với cộng đồng dân tộc Thái, ở nếp nhà sàn, được ngồi ghế mây là được hưởng cuộc sống bình dị, đậm chất dân tộc. Cũng xuất phát từ nguyên do này mà ông Bun bén duyên với nghề mây tre đan.Ông Tao Văn Bun, Bản Cấu, xã Chà Nưa chia sẻ: Bây giờ ông đã già rồi, muốn chăn nuôi, trồng trọt thì cũng không làm được nữa, trong khi làm các sản phẩm mây tre đan thì nhẹ nhàng, phù hợp với người cao tuổi. Ông làm bàn ghế mây, làm mẹt rồi làm giỏ đựng và nhiều thứ nữa. Đây là đồ dùng sinh hoạt truyền thống của người Thái, coi như ông làm để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Mình. Ông làm thế này, có tháng cũng được 2, 3 triệu để trang trải sinh hoạt tuổi già, không cần phải xin con cháu nữa.
Ông Tao Văn Bun ( bản Cấu, Chà Nưa) thu nhập trung bình 2 triệu đồng/ tháng nhờ nghề mây tre đan
Hiện nay, hội người cao tuổi xã Chà Nưa có hơn 200 hội viên, trong số đó có nhiều hội viên theo nghề truyền thống mây tre đan để tạo thu nhập cho tuổi già và góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Gần như trong 9 bản của xã Chà Nưa, ở bản nào cũng có những hạt nhân nòng cốt giữ nghề mây tre đan của dân tộc. Nghề mây tre đan cũng được chọn là hướng đi phù hợp để người cao tuổi phát triển kinh tế, phát huy phong trào “ Tuổi cao – gương sáng”. Ông Thùng Văn Sam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chà Nưa cho biết: Tới đây, hội người cao tuổi xã Chà Nưa tiếp tục vận động hội viên giữ lấy nghề truyền thống mây tre đan này. Đồng thời vận động các cụ truyền dạy nghề này cho con cháu để giữ lấy nét tinh hoa cho dân tộc Thái.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội người cao tuổi xã Chà Nưa đã phát huy vai trò, vị trí của mình bảo ban con cháu sống, học tập, lao động theo Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, nhiều cụ còn là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân cùng Đảng, Nhà nước chung sức xây dựng Nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ được công nhận xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong lộ trình tiếp tục xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân địa phương, người cao tuổi xã Chà Nưa tiếp tục giữ lấy nghề mây tre đan, phát triển thành mô hình kinh tế điển hình của hội, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của xã nhà./.