Hướng dẫn dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong vụ Đông
Thời gian đăng: 26/10/2021 10:32:50 AM

           Thời tiết chuyển mùa diễn biến phức tạp từ mùa thu sang mùa đông, vì vậy, công tác dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi để chống đói rét trong mùa đông là hết sức quan trọng.

Để chủ động nguồn thức ăn phòng, chống đói rét cho gia súc giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông Xuân 2021-2022, cần tăng cường công tácthông tin, tuyên truyền người dân chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc: Không đốt rơm rạ, tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ nơi khô ráo; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến dự trữ bằng hình thức ủ chua làm thức ăn cho trâu bò; có kế hoạch phương án phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trong vụ Đông Xuân năm 2021-2022 là vô cùng quan trọng.

          Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi biết cách chăm sóc nuôi dưỡng và chuẩn bị thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi, đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò có ít nhất một cây rơm, lượng thức ăn dự trữ đáp ứng cho trâu, bò bình quân từ 5 – 7 kg (cỏ khô, rơm, khô,…)/con/ngày trong những ngày giá rét đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi trồng một số giống cỏ có giá trị dinh dưỡng cao, chịu lạnh, chịu sương muối tốt (cỏ Voi, VA06, Ghinê…) trồng ngô dày trên ruộng 1 vụ để chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh cho trâu, bò bằng một số kỹ thuật như sau:

          1. Kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc:

          Quy trình và nguyên tắc ủ chua: Nguyên liệu cỏ trước khi ủ phải sạch sẽ, rũ bỏ hay rửa sạch đất cát, sau đó chặt hay cắt nhỏ thành những đoạn kích thước khoảng 3-7 cm. Công thức ủ tính theo 100kg cỏ xanh bổ sung 6-7 kg bột ngô hoặc cám gạo, bột sắn, 0,5kg muối ăn. Có thể ủ cỏ bằng bể xi măng, hoặc đào đất lót bạt, ủ trong túi bạt nilon, nguyên liệu càng nén chặt, càng kín khí càng tốt. Khi ủ nên rải thức ăn thô xanh thành từng lớp có độ dày 10 – 15cm, rồi cho nguyên liệu bổ sung là muối và cám theo tỷ lệ từng lượt một và cứ như thế một lượt cám một lượt cỏ cho đến khi đầy dụng cụ ủ. Khi ủ xong tiến hành đậy kín bể, hoặc buộc chặt túi ủ, chú ý đẩy không khi ra hết để tạo môi trường yếm khí.

          Kiểm tra chất lượng và cách cho trâu bò ăn ủ chua: Thời gian ủ trung bình khoảng 25 - 30 ngày, cỏ ủ có chất lượng tốt khi mở ra có màu vàng nhạt, mùi thơm (mùi dưa muối). Trước khi cho ăn cần kiểm tra xem thức ăn có bị thối mốc hay có mùi lạ không nếu thấy có dấu hiệu đó thì không nên cho gia súc ăn.Khi lấy thức ăn từ bể hoặc túi ủ nên lấy gọn gàng, phần nào ủ trước thì lấy trước, lấy xong thì che đậy lại ngay nhằm hạn chế không khí lọt vào.Có thể cho gia súc ăn thức ăn ủ chua với định mức 5kg/100kg khối lượng cơ thể trâu, bò/ngày, kết hợp chăn thả, ăn thêm cỏ, rơm khô.

50.jpg

Cỏ ủ chua yếm khí

         2. Phơi khô thức ăn cho gia súc:

Cỏ, rơm phơi khô là thức ăn cung cấp nguồn vitamin, protein, khoáng chất, chất xơ dồi dào cho trâu bò vào mùa lạnh. Đây là phương pháp đơn giản, phù hợp với mọi quy mô chăn nuôi, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc.

Việc phơi khô thức ăn cho gia súc là cách giúp bà con dự trữ được lâu, chủ động được nguồn thức ăn cho trâu bò vào mùa mưa lạnh. Thức ăn phơi khô cho gia súc là các loại cỏ, rơm, thân cây ngô, lạc... Sau khi phơi khô thức ăn sẽ giảm được độ ẩm, gia súc sẽ ăn được nhiều, kích thích tiêu hóa, ngoài ra còn duy trì sự ổn định của dạ cỏ giúp cho vi sinh vật thực hiện các hoạt động phân giải thức ăn.

Từ đó, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia súc. Đặc biệt, thức ăn khô còn giúp kích thích sự phát triển dạ cỏ của bê con. Thức ăn phơi khô cần được bảo quản ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không bị mưa dột hay đọng nước.

         3. Ủ héo thức ăn xanh cho gia súc:

         - Ủ héo là cách làm trung gian giữa ủ tươi và phơi khô. Nguyên liệu được ủ héo thường khô hơn nguyên liệu dùng để ủ tươi. Thức ăn ủ héo lên men ít, lượng chất dinh dưỡng được bảo toàn. Nguyên liệu dùng để ủ héo thường là cỏ tươi. Tùy thuộc vào độ ẩm của cỏ mà bà con có thể ủ lúc cỏ còn tươi hay đem phơi tái trước khi ủ nhằm làm giảm độ ẩm của cỏ. Độ ẩm thích hợp để ủ héo cỏ là khoảng 50 - 60%. Cỏ được ủ trong túi nilon, khi ủ phải nén chặt từng lớp và túi phải được buộc kín, đảm bảo không có lỗ hổng nếu không cỏ sẽ bị hỏng. Bà con cũng cần chú ý chuột hay các con côn trùng có thể cắn vỏ bao khi ủ cỏ.

        - Vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống đói rét và các hộ chưa có chuồng khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng trại đảm bảo cho việc che chắn, giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông; vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng, chống đói rét và hạn chế thiệt hại khi rét đậm, rét hại xảy ra; di chuyển đàn trâu, bò thả rông trong rừng về nuôi nhốt gần nhà để quản lý và chăm sóc.

          Trên đây là các phương pháp chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn, để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, tùy theo điều kiện chăn nuôi của từng gia đình và địa phương mà bà con cần có phương pháp dự trữ thức ăn phù hợp cho gia súc để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi./.

Phạm Yến Phòng Nông nghiệp & PTNT
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên