Bản Sín Chải, xã Nà Hỳ gồm hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Dao, thuộc ngành Dao đen sinh sống. Khoảng những năm 90, bà con dân tộc Dao ở Sa Pa, Lào Cai và ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu bắt đầu di cư về đây. Cho đến nay đã hình thành một cộng đồng bản người Dao đen ở Sín Chải, Nà Hỳ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cộng đồng người Dao đen ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến những nghi lễ cổ truyền trong đám cưới. Cũng như nhiều dân tộc khác, trước khi tổ chức ngày cưới cho đôi bạn trẻ, gia đình hai bên cũng đã trải qua giai đoạn dạm ngõ, ăn hỏi. Đúng vào ngày lành tháng tốt mà hai bên gia đình đã nhờ thầy cúng chọn, bên nhà trai sẽ cử người sang nhà gái, họ là những người có úy tín và là người có tài nấu ăn để sang làm mâm cỗ cưới cho nhà gái mời họ hàng, làng xóm trước khi gả con gái về nhà chồng. Đây là một phong tục đẹp, thể hiện tình cảm của gia đình nhà trai báo đáp nhà gái đã có công sinh thành, giáo dưỡng cô dâu nên người. Bà Chảo A Líu, Bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, cho biết: Đến ngày cưới bên nhà gái, người bên họ nhà trai sẽ cử người sang nhà gái làm cỗ, làm hết tất cả mọi việc hoàn thành mâm cỗ để nhà gái mời họ hàng, người trong bản. Nó giống như lời cám ơn của gia đình nhà trai đối với bố mẹ cô dâu đã có công sinh thành nuôi dưỡng con gái nên người.
Sính lễ nhà trai chuẩn bị cho cô dâu gồm: trang phục và vòng bạc
Bên cạnh việc lo chu đáo cơm nước đãi khách ở bên gia đình nhà cô dâu, bên nhà chú rể còn có trách nhiệm chuẩn bị cho cô dâu trang phục truyền thống để mặc trong lễ cưới gồm: quần áo, giày dép, trang sức. Cùng với đó, nhà trai cũng chuẩn bị bạc trắng đầy đủ theo như yêu cầu của bên nhà gái. Đây là sính lễ bắt buộc cần phải có, tuy nhiên sính lễ cũng tùy thuộc vào điều kiện của hai bên gia đình. Một điểm đáng chú ý nữa là, trong ngày cưới ở bên nhà gái, nhà trai phải mời người am hiểu luật tục dân tộc, còn gọi là “thầy cúng” đại diện cho nhà trai đến làm lễ cúng gia tiên của nhà gái. Đây là một nghi lễ bắt buộc trong ngày cưới, nó mang ý nghĩa là xin phép tổ tiên bên nhà gái để xin đón con dâu về nhà chồng. Nghi lễ này diễn ra khoảng 40 phút với nhiều bài văn khấn của dân tộc được thực hiện bởi thầy cúng.
Cô dâu khi về nhà chồng được các bạn dâu che ô đen vây quay để tránh những điều không tốt
Ngày thứ hai là ngày cưới bên nhà trai, cũng là ngày chính lễ, chọn giờ lành, đoàn nhà trai đi rước dâu với đông đảo già trẻ, gái trai, nhưng quan trọng nhất thì phải có đội nhạc cụ dân tộc gồm: thầy kèn, thầy trống, thầy ché và thầy chiêng. Trong đó, người thổi kèn – gọi là thầy kèn giữ vai trò chủ đạo. Khi về nhà chồng, cô dâu sẽ được người chủ hôn dẫn đường và được các bạn dâu che ô đen vây kín xung quanh với mong muốn che chắn bảo vệ cho cô dâu tránh khỏi những điều không may. Cái hay nhất trong khi rước dâu của người Dao đen ở Sín Chải chính là nhà gái được nghỉ chân trên đường đưa con gái về nhà chồng. Dù nhà trai và nhà gái có gần nhau cũng đều trải qua nghi lễ này. Chọn một nơi có địa hình bằng phẳng, nhà trai sẽ mời nhà gái nghỉ ngơi uống nước, hút thuốc. Lúc này, các thầy trong đội nhạc cụ sẽ tiến hành nghi lễ cám ơn nhà gái đã không quản ngại đường xa, không ngại khó khăn vất vả để đưa con gái về nhà chồng. Nghi lễ này còn có tên gọi là lễ “ bảy vòng tinh hoa”. Các thầy sẽ đi theo vòng tròn 7 vòng, vây quanh cô dâu và đoàn rước dâu, nhưng chỉ đi ngược lại 6 vòng. Theo truyện kể của người Dao cổ, ngày xưa trên trời có 7 ngôi sao tựợng trưng cho 7 nàng tiên, nhưng có một nàng tiên đi lấy chồng (ý nói là cô dâu), do vậy làm lễ này để báo với 6 nàng tiên trên trời từ nay có một nàng tiên đã đi về nhà chồng, chứ không về theo các chị về cõi tiên nữa.
Nghi lễ “ bảy vòng tinh hoa” đi vòng quanh cô dâu và đoàn rước dâu
Khi về đến cửa nhà chồng, cô dâu sẽ được thầy cúng làm lễ xua đuổi tà ma, sau đó cô dâu bước qua cái chậu nước có gác con dao đặt tại ngưỡng cửa để vào nhà chồng làm lễ cùng gia tiên. Tại nhà trai, cô dâu và chú rể được làm lễ chính thức nên vợ nên chồng, báo cáo với tổ tiên nhà có thêm thành viên mới. Sau khi hoàn tất các nghi lễ, cô dâu và chú rể được đưa vào phòng tân hôn. Cũng giống như nhiều dân tộc khác, sau khi rước dâu về, bên nhà trai sẽ bày cỗ thiết đãi họ hàng làng xóm.
Hiện nay, cộng đồng người Dao đen ở bản Sín Chải sống gần gũi với các dân tộc khác trên địa bàn, trong lễ cưới cũng đã có sự giao thoa với nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác để làm cho lễ cưới mang không khí vui tươi, phấn khởi, tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn lưu giữ được những nét cổ truyền trong đám cưới của ngành Dao đen. Ông Lý Lìn Siểu vừa là một người am hiểu luật tục dân tộc, thường giữ vai trò làm thầy cúng trong các nghi lễ cổ truyền của dân tộc, lại vừa làm Bí thư Chi bộ bản, ông chia sẻ: Hiện nay, người Dao đen trong bản Sín Chải chúng tôi khi tổ chức đám cưới hỏi cho con cháu luôn ý thức việc giữ lại các nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Những nghi lễ nào không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại hoặc gây lãng phí thì mình bỏ đi. Và mình cũng tiếp thu và làm theo những nét văn hóa hiện đại của đám cưới ngày nay như: thuê phông bạt đám cưới, thuê quay phim chụp ảnh, cũng có thể ra nhà hàng để đặt cỗ thiết đãi họ hàng.
Thiết đãi họ hàng hai bên bằng cỗ cưới hiện đại sau khi cử hành xong các nghi lễ cổ truyền
Đám cưới của người Dao đen sinh sống tại bản Sín Chải, xã Nà Hỳ vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống của người Dao cổ. Trong đó, có những nghi lễ mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của hai bên gia đình, nhất là của nhà trai đối với nhà gái. Qua đó làm nên nét đặc trưng trong đám cưới của người Dao đen, góp phần lưu giữ, bảo tồn nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn Nậm Pồ./.