Đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Nậm Pồ quan tâm, chú trọng. Từ năm 2015 đến hết năm 2018, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức đào tạo và liên kết, đặt hành đào tạo cho gần 1.300 học viên. Ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ thực tế phát triển của xã hội, việc chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn là cần thiết và trở thành xu thế tất yếu. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu nghề xây dựng đang rất được quan tâm vì không những đem lại thu nhập ổn định mà còn góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thầy Nguyễn Quang Quyến - Giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đang giảng dạy lớp xây dựng trình độ sơ cấp ở bản Nà Cang, Hô Bai.
Các học viên lớp đào tạo nghề xây dựng trình độ sơ cấp do Trung tâm dạy nghề huyện Nậm Pồ liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức ở bản Nà Cang, xã Chà Nưa đang chăm chú thực hành xây những viên gạch đầu tiên theo sự hướng dẫn của giảng viên lớp học. “Lớp này thật sự rất thiết thực và bổ ích, vì học xong có thể giúp mình kiếm thêm việc làm, có thêm thu nhập, em thấy rất ý nghĩa. Em hy vọng học xong, biết tự xây các công trình của gia đình và tìm việc làm ổn định” - Chia sẻ của học viên Khoàng Văn Viên, lớp đào tạo nghề xây dựng ở bản Nà Cang, xã Chà Nưa.
Còn học viên Khoàng Thị Tuyết thì chia sẻ: Nhà tôi ít ruộng, mỗi năm thu hoạch chỉ đủ ăn, muốn có thu nhập trang trải gia đình thì phải trồng thêm các loại cây hoa màu khác để bán, nhưng cũng không có đất để trồng. Muốn đi đâu làm thuê mà lại không có tay nghề nên rất khó kiếm việc. Nên khi có lớp học xây dựng mở tại bản tôi đăng ký tham gia học. Nếu biết xây mình tự sửa sang nhà cửa, xây những công trình nhỏ của nhà mà không cần phải đi thuê người, rảnh thì đi làm phụ xây ở các công trình gần để có thêm thu nhập.
Các học viên lớp học kỹ thuật xây dựng ở bản Nà Cang, Hô Bai đang tham gia thực hành
Ông Thùng Văn Ánh, phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Từ năm 2009 đến nay, xã Chà Nưa đã phối hợp mở 11 lớp đào tạo nghề nông nghiệp như lớp kỹ thuật: Chăn nuôi phòng trị bệnh cho trâu, bò; lợn; nuôi vịt, trồng nấm; chiết ghép cành và nghề phi nông nghiệp kỹ thật xây dựng. So sánh về hiệu quả sau đào tạo thì lớp kỹ thuật xây dựng này là phù hợp, hiệu quả nhất đối với địa phương chúng tôi. Như lớp năm ngoái đã mở bản Nà Sự với tổng số 35 học viên đến thời điểm này đi làm đến 95%. Do vậy, theo chỉ tiêu của huyện giao cũng như Nghị quyết của Đảng bộ xã tiếp tục đào tạo thêm một số lớp nghề xây dựng cho người dân, trong đó có lớp đang mở ở bản Nà Cang, Hô Bai. Trước đây nhà vệ sinh, nhà tắm ở bản chỉ làm bằng ván, tre không được bền và hợp vệ sinh. Xu hướng bây giờ là xây bằng gạch, đá nên lớp học này được đông đảo người dân ủng hộ, đặc biệt có một nửa học viên là chị em phụ nữ.
Hiện nay, có nhiều xã mong muốn được mở các lớp đào tạo nghề xây dựng cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là Trung tâm Dạy nghề huyện không đủ điều kiện để đăng ký mã ngành, do thiếu giáo viên và không tìm được các đơn vị có đủ năng lực để liên kết đào tạo và cấp chứng chỉ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Muốn đăng ký mở mã ngành xây dựng thì trước hết đơn vị phải có giáo viên cơ hữu trong lĩnh vực này, trong khi đó cả đơn vị có 7 biên chế (2 quản lý, 5 viên chức), tuy mới được bổ sung 2 giáo viên về lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, nhưng giáo viên nghề xây dựng chưa có. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng, trong khi mỗi lớp đào tạo nghề nói chung và nghề xây dựng nói riêng theo hình thức “cầm tay chỉ việc” thường kéo dài khoảng 3 tháng. Về vấn đề liên kết và hợp đồng đào tạo hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng chỉ có 2 đơn vị có đủ năng lực để liên kết trong lĩnh vực này đó là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Tuy nhiên, việc liên kết không phải lúc nào cũng thực hiện được vì các trường ít giáo viên, bên cạnh đó nhiều huyện khác cũng có nhu cầu tương tự.
Chính vì vậy, đến nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ mới chỉ mở được 04 lớp đào tạo về xây dựng cho lao động nông thôn. Lớp đầu tiên phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, được tổ chức tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa với 35 học viên tham gia. Ngay sau khi học xong, học viên đã có việc làm phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Đầu năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề mở được 01 lớp tại xã Vàng Ðán với 30 học viên tham gia, đến nay, lớp học đã hoàn thành, tất cả học viên đều thành thạo những kỹ năng cơ bản để hành nghề. Hiện nay đang tổ chức thêm 02 lớp với 67 học viên tại bản Nà Cang, Hô Bai, xã Chà Nưa và bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn. Ông Khổng Văn Trọng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn liên kết, bên cạnh đó tham mưu đề xuất với huyện về các giải pháp để có thể mở thêm được nhiều lớp đào tạo nghề nói chung và nghề phi nông nghiệp nói riêng, đáp ứng nhu cầu chính đáng và thiết thực của người dân./.