Đến với Trường PTDTBT THCS Nà Bủng trong những ngày giáp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong cái lạnh của mùa đông vùng cao biên giới, chúng tôi bắt gặp những gương mặt rạng rỡ, ửng hồng của các em học sinh và cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của thầy và trò nhà trường nơi đây. Thầy Dương Duy Dần, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Những năm trước, vào khoảng thời gian này, nhà trường rất vất vả khi giữ các em học sinh ở lại trường, bởi những ngày gần tết các em học sinh nghỉ học nhiều để đi lấy chít bán hoặc ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, hoặc đi làm thuê để lấy tiền ăn tết,…Những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Ban giám hiệu và các tổ chức Đoàn – Đội, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể đưa các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống vào trong nhà trường. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của trường luôn đạt trên 97%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữ chừng.
Trao đổi với chúng tôi, sau khi tổ chức cho học sinh toàn trường múa điệu sênh tiền – một điệu múa truyền thống của dân tộc Mông, thầy Phạm Đăng Khuê, giáo viên Tổng phụ trách Đội phấn khởi cho biết: Trước kia hoạt động Đoàn Đội trong nhà trường còn đơn điệu, chưa phong phú nhưng từ khi nhà trường thực hiện thường xuyên lồng ghép các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống của các dân tộc vào hoạt động tập thể đầu giờ, giữa giờ hay các ngày lễ đã tạo hứng thú cho cả cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường. Qua các hoạt động này đã khơi dạy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, yêu trường yêu lớp, tinh thần đoàn kết của các em học sinh.
Một buổi hoạt động ngoại khóa về văn hóa dân gian của trường PTDTBT THCS Nà Bủng
Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn – Đội trong trường học, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Hội đồng đội huyện chỉ đạo các trường chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể để thu hút học sinh đến trường đặc biệt là việc xây dựng, nâng cao vai trò của đội văn nghệ xung kích nhà trường. Theo đó, các trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Múa xòe (dân tộc thái), múa khèn (dân tộc Mông), làn điệu dân ca, các bài hát dân tộc ở địa phương, trò chơi dân gian (ném còn, đẩy gậy, tù lu, kéo co,…). Ngoài ra, các trường còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng, lồng ghép hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung và hình thức phong phú, tập trung các vần đề như: Đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống ma túy, nạn tảo hôn, buôn bán người, cảnh giác các hoạt động lừa đảo trên Facebook, các kênh thông tin không chính thống nói xấu cán bộ, Đảng, Nhà nước; tập trung theo dõi các kênh thông tin chính thống của tỉnh, huyện.Em Vàng Thị Di học sinh lớp 9A Trường THCS Tân Phong tâm sự: Sau mỗi giờ học căng thẳng chúng em được tham gia các hoạt động tập thể, chơi các trò chơi dân gian, múa điệu múa truyền thống của dân tộc. Nhờ vậy mà các bạn rất hứng thú, muốn đến trường mỗi ngày, tránh xa các trò chơi điện tử, mạng xã hội Facebook, …
Các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Tân Phong vui tươi, đoàn kết trong điệu múa xòe truyền thống của dân tộc Thái
Các em học sinh trường THCS Tân Phong đang chơi trò Tó Má Lẹ - một trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái
Các em học sinh trường PTDTBT TH Nậm Tin hào hứng với trò chơi đẩy gậy
Không chỉ riêng các trường có học sinh bán trú mà ở các trường mầm non, tiểu học, THCS trong toàn huyện việc lồng ghép các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng được các trường thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Thầy giáo Nguyễn Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phong cho biết: Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em được tiếp cận và thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài việc trang bị kiến thức thì hàng năm, trường đều tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí, liên hoan văn nghệ, duy trì các ngày lễ truyền thống, mặc trang phục dân tộc 2 ngày/tuần. Thông qua các cuộc thi như: tìm hiểu về phong tục, tập quán các dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc, sưu tầm văn hóa dân gian của địa phương…nhà trường khuyến khích học sinh tham gia, tạo thêm hứng thú trong học tập, sinh hoạt.
Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa, văn nghệ mà học sinh hiểu biết sâu hơn và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều đáng nói ở đây là các em học sinh không chỉ biết đến những nét văn hóa truyền thống của riêng dân tộc mình mà còn biết đến văn hóa của các dân tộc anh em thông qua bạn bè cùng trang lứa.Em Giàng Thị Lan, học sinh lớp 6B trường PTDTBT THCS Chà Cang chia sẻ: Em là người dân tộc Mông nhưng em rất thích múa xòe, khi được múa xòe cùng các bạn trong trường em thấy mình không còn sự tự ti, rụt rè mà thấy vui hơn, hòa đồng, đoàn kết hơn.
Thiết nghĩ, việc tổ chức các hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp, đưa văn hóa dân tộc vào trường học là hướng đi phù hợp, bởi ở đó văn hóa không chỉ được nuôi dưỡng, phát triển, mà còn góp phần hình thành nên những học sinh có nhân cách văn hóa. Nhưng đưa như thế nào cho phù hợp, tổ chức làm sao cho hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã, các tổ chức chính trị - xã hội; sự vào cuộc của Ban giám hiệu, các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là tổ chức Đoàn – Đội và sự tâm huyết, sáng tạo của giáo viên Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh./.