Theo báo cáo của UBND huyện Nậm Pồ, trước năm 2017, có 9 điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp huyện (trong đó: Tuyến Nậm Pồ - Mường Nhé 4 điểm; Nậm Pồ - Mường Chà 5 điểm) và 29 điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính cấp xã. Việc tranh chấp kéo dài dẫn đến xung đột, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực tranh chấp, gia tăng tình trạng phá rừng. Ðiển hình như năm 2017, người dân bản Nậm Pồ Con (xã Nà Khoa) có đất sản xuất thuộc địa giới hành chính của bản Tàng Do (xã Nậm Tin) và số diện tích này đã được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng để khoanh nuôi, bảo vệ. Song, do thói quen canh tác trên nương, người dân bản Nậm Pồ Con đã phá gần 17ha rừng của bản Tàng Do để làm nương sản xuất, gây mất an ninh trật tự khu vực.
Nhờ giải quyết dứt điểm tranh chấp đất rừng nên thời gian qua người dân xã Nậm Chua có trách nhiệm bảo vệ rừng hơn. Trong ảnh: Kiểm lâm địa bàn và người dân xã Nậm Chua phát dọn thực bì.
Năm 2017, huyện Nậm Pồ đã triển khai Kế hoạch số 792/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Ðiện Biên”. Ông Lê Ðại Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ cho biết: UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập đoàn công tác để kiểm tra, rà soát, xác định đường địa giới hành chính trên bản đồ và ngoài thực địa; rà soát, xác định các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính; xác định vị trí cắm mốc địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã trên thực địa. Qua rà soát, đa phần các điểm tranh chấp đều có điểm chung là người dân thuộc xã này sinh sống hoặc sản xuất trên phần đất thuộc địa giới hành chính của xã khác dẫn đến tranh chấp đất sản xuất hoặc đất rừng để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau khi xác định rõ thực trạng, vị trí từng điểm tranh chấp, đoàn công tác của huyện đã tổ chức nhiều buổi làm việc với chính quyền các xã và người dân các bản thuộc khu vực tranh chấp. Hướng giải quyết là đưa ra các phương án điều chỉnh địa giới hành chính vừa đảm bảo lợi ích và tạo điều kiện cho người dân sinh sống, sản xuất vừa thuận lợi về quản lý hành chính Nhà nước cho chính quyền. Ðến nay, huyện Nậm Pồ đã giải quyết dứt điểm 7/9 điểm tranh chấp đất đai trên tuyến địa giới hành chính cấp huyện và 22/29 điểm tranh chấp đất đai trên tuyến địa giới hành chính cấp xã.
Ðã từ lâu, người dân nhóm 2, bản Ngải Thầu 1 (xã Nà Bủng) sinh sống, sản xuất và bảo vệ gần 160ha rừng thuộc địa giới hành chính bản Nậm Chua 2 (xã Nậm Chua). Tranh chấp xảy ra từ năm 2011, khi tỉnh ta thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì toàn bộ 160ha rừng trên được giao cho bản Nậm Chua 2 quản lý, bảo vệ và là đối tượng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng chứ không phải là người dân nhóm 2, bản Ngải Thầu 1. Tranh chấp kéo dài nhưng chính quyền 2 xã Nậm Chua và Nà Bủng không đưa ra được giải pháp thỏa đáng. Năm 2017, sau nhiều lần tổ chức họp dân, đoàn công tác của huyện Nậm Pồ đã giải quyết dứt điểm tranh chấp với sự tự nguyện, đồng tình của người dân 2 bản và chính quyền 2 xã. Cụ thể: Thu hồi 160ha rừng của bản Nậm Chua 2 và giao cho nhóm 22 hộ dân của bản Ngải Thầu 1 quản lý, bảo vệ và huởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh của UBND huyện. Ðiều chuyển toàn bộ nhóm 22 hộ của bản Ngải Thầu 1 hiện đang sinh sống trên đất Nậm Chua sang xã Nậm Chua quản lý. Trước mắt thành lập một nhóm tự quản trực thuộc xã Nậm Chua, giao công an huyện hướng dẫn công an 2 xã làm thủ tục chuyển khẩu theo quy định; giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đi thực địa để chỉ rõ ranh giới diện tích rừng đã điều chỉnh.
Ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ cho biết: Theo nguyên tắc, rừng thuộc địa giới hành chính của xã nào thì giao cho chủ rừng ở xã đó và chủ rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, UBND huyện có quyết định điều chỉnh thì Phòng mới ra quyết định thu hồi và giao lại. Năm 2017, Phòng tiến hành thu hồi, điều chỉnh và giao lại diện tích rừng tại 6 điểm tranh chấp trên các tuyến: Nậm Chua - Nà Bủng; Chà Nưa - Phìn Hồ; Chà Cang - Pa Tần với tổng diện tích 452ha rừng.
Hiện nay, huyện Nậm Pồ còn 9 điểm tranh chấp đã thực hiện rà soát nhưng chưa thống nhất được phương án giải quyết. Trong đó, 2 điểm trên tuyến địa giới hành chính cấp huyện Nậm Pồ - Mường Nhé và 7 điểm trên các tuyến địa giới hành chính cấp xã. Thời gian tới, UBND huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, UBND các xã phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hiệp thương thống nhất, giải quyết các điểm còn tồn đọng.