Nhờ mạnh dạn đưa giống cây cam Sành và cam Vinh từ Hà Giang vào trồng ở mảnh đất nương cũtừ năm 2017, sau 5 năm trồng và chăm sóc, năm nay vườn cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin cho thu hoạch vụ đầu tiên với tín hiệu tích cực.
Vườn cam chín vàng của gia đình ông Sùng Quán Tùng.
Trên địa bàn xã Nậm Tin hiện nay có gần 10 ha diện tích với gần 2.500 gốc cam, trong đó vườn cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng là nhiều nhất khoảng 9ha với gần 2.300 gốc.Theo ông Sùng Quán Tùng cho biết: Sau những vất vả, khó khăn ban đầu, năm nay vườn cam đã cho vụ thu hoạchlứa quả đầu tiên, dự kiến sẽ thu về trên 10 tấn quả, bán ra thị trường với giá dao động từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg, dự tính đem lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 150 triệu đồng chưa trừ chi phí.
Ông Tùng phấn khởi chia sẻ: “Từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình tôi đã thu được khoảng 3 tấn trái cam bán ra thị trường, chủ yếu là bán ở chợ Vàng Lếch, một số thương lái ở xã Chà Cang và thỉnh thoảng cũng mang lên chợ Nà Hỳ bán, với giá bán 15.000 đồng/kg gia đình tôi đã thu về gần 40 triệu đồng, giờ mới chỉ thu bói lứa đầu chưa hết 1/3 diện tích vườn. Cam nhà tôi có đặc điểm ngọt và mọng nước nên khi mang ra thị trường được người dân ưng ý vàủng hộ,điểu đó khiến gia đình tôi rất phấn khởi”.
Cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng nhận được sự ủng hộ của bà con.
Học hỏi ông Sùng Quán Tùng, ông Hạng Seo Sử ở bản Nậm Tin cũng nhập 100 gốc giống cam sành Tuyên Quang về trồng hồi cuối năm 2017 và năm nay cũng cho thu bói lứa cam chín vàng đầu tiên. Ông Sử cho biết: “Nhờ học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc cam của ông Sùng Quán Tùng, năm nay vườn cam nhà tôi cũng đã cho thu hoạch với quả to, mọng nước, tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của bà con”.
Vợ chồng ông Hạng Seo Sử lần đầu thu hoạch vườn cam
Ông Hờ A Lù, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết: Qua kiểm tra thực tế, mô hình trồng cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và địa hình đồi núi ở địa phương. Sắp tới chính quyền xã cũng sẽ xây dựng kế hoạch đưa sản phầm cam của ông Tùng và người dân trên địa bàn xã trở thành sản phẩm OCOP có tem, nhãn hiệu rõ ràng, sau đó giúp người dân tìm đầu ra cho sảm phẩm. Đồng thời khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam trên những diện tích đất nương cũ để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”.
Mô hình trồng cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng và một số hộ dân khác tại xã Nậm Tin, đã bước đầu cho thấy cách làm hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất đồi đã bạc màu qua nhiều năm canh tác lúa nương. Để người dân yên tâm canh tác và nhân rộng diện tích đất trồng cam thì rất cầm sự quan tâm, đầu tư, định hướng của các cấp chính quyền và đặc biệt là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm./.