Vào những ngày đầu hè nắng đẹp, nếu có dịp ghé qua xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con Mông tất bật thu hoạch dưa hấu trên những ruộng bãi ven suối. Dưa năm nay trúng mùa, trái nào trái nấy đỏ mọng, căng tròn. Không khí lao động rộn ràng, tiếng cười nói vang khắp bản làng – một mùa dưa vui như có hội.
Chủ tịch Hội nông dẫn xã cùng người dân vào thăm ruộng dưa hấu
Dưa hấu ở Pa Tần không phải là cây trồng lâu đời, nhưng đang dần trở thành “cây mùa vụ” được nhiều hộ ưa chuộng. Năm 2022, anh Lầu A Dê ở bản Tà Ham là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đưa cây dưa hấu vào trồng sau vụ lúa mùa. Thấy dưa dễ chăm, hợp đất, lại bán được giá, anh rủ thêm bà con trong bản cùng làm. Đến nay, đã có hơn 6 hộ trong bản trồng dưa hấu, tổng diện tích hơn 2 ha.
Những ruộng dưa hấu sai trĩu quả
Anh Dê chia sẻ: “Giờ đúng mùa chín rồi, bà con tranh thủ sáng sớm ra ruộng hái dưa, mang ra ven đường bán cho khách du lịch đi từ Điện Biên lên Mường Nhé. Có người còn chở xuống các hàng quán, tiểu thương trong vùng bán lẻ. Dưa hấu là một loại quả giải nhiệt vào màu hè được ưa chuộng, giàu dinh dưỡng. Năm nay dưa bán được 10 đến 12 nghìn một ký, mỗi hộ cũng kiếm được khoảng 9-10 triệu sau mỗi vụ, có thêm đồng ra đồng vào, mừng lắm.”
Dưa hấu được người dân hái và bán cho các tiểu thương trong vùng
Bà Thùng Thị Văn, Chủ tịch Hội nông dân xã Pa Tần đánh giá, mô hình trồng cây ngắn ngày như dưa hấu là hướng đi phù hợp với bà con dân tộc Mông – những người chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa trong năm. Việc tận dụng thời gian và đất bãi để trồng thêm dưa, ngô hay lạc không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế một cách bền vững./.