Nhà sàn - Nơi lưu giữ văn hóa dân tộc Thái
Thời gian đăng: 25/05/2023 07:58:33 AM

          Nhà sàn là một sản phẩm văn hóa đặc sắc, giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc Thái.Từ bao đời nay, quanh bếp lửa nhà sàn, người già trao truyền lại cho lớp con cháu những phong tục tập quán, nếp sống, nếp nghĩ, kiến trúc, nghệ thuật hay ý niệm về tín ngưỡng tôn giáo của người Thái. Những nét văn hóa đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của đồng bào đều được sản sinh, nuôi dưỡng, bồi đắp và trao truyền dưới nếp nhà sàn. Để rồi những nếp nhà Sàn lại trở thành một sản phẩm văn hóa - là nơi giữ lửa văn hóa Thái.

112.jpg

Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái

            Đồng bào dân tộc Thái huyện Nậm Pồ có cả ngành Thái đen và Thái trắng, chiếm 18,50% trong tổng số 8 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Nà Hỳ. Lịch sử sinh sống ngàn đời của dân tộc Thái đã hình thành nên nền văn hóa cổ truyền đặc trưng là “ăn cơm nếp, uống rượu cần, mặc xửa cóm, ở nhà sàn”. Ngôi nhà sàn hòa trong thiên nhiên núi đồi đã trở thành biểu tượng đặc sắc khi nhắc đến văn hóa truyền thống của đồng bào. Cứ thế theo thời gian, ngôi nhà sàn của người Thái trở thành nơi cư ngụ ấm áp của tộc người này qua nhiều thế kỷ.

113.jpg

Dưới nếp nhà sàn, người già truyền lại cho con cháu những điệu múa, lời ca truyền thống của dân tộc Thái

          Ngôi nhà truyền thống của dân tộc Thái được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như: Gỗ, tre, nứa, song, mây, tranh, kè, cọ... Để làm được một ngôi nhà sàn, thì khâu chuẩn bị gỗ là công phu nhất. Sở dĩ như vậy là vì nhà sàn yêu cầu chất lượng gỗ tốt, bền bỉ trong môi trường tự nhiên, đủ sức chịu lực. Đồng thời, gỗ có mặt trong hầu hết các kết cấu quan trọng nhất của ngôi nhà sàn Thái truyền thống và được sử dụng để làm cột, kèo, quá giang, xà dọc, xà ngang. Gỗ làm cột nhà thường là cây gỗ to, được chặt vào mùa đông để tránh mối mọt. Đối với xà, quá giang có thể chọn các loại gỗ khác, nhẹ hơn, không cứng bằng gỗ làm cột, nhưng tuyệt đối không thể bị mối, mọt. Công việc khai thác và vận chuyển gỗ đòi hỏi sự liên kết của các cá nhân trong cộng đồng làng, bản. Chính trong quá trình chuẩn bị ấy, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Thái được thể hiện rõ nét.

114.jpg

Ông Thùng Văn Đôi và vợ đang bảo tồn các loại nhạc cụ và nghề đan lát truyền thống của dân tộc Thái.

          Ông Thùng Văn Đôi, bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa cho biết: Mỗi ngành dân tộc Thái, hay mỗi vùng miền sẽ có một thói quen dựng nhà riêng, nhưng về tổng thể kiến trúc, kết cấu ngôi nhà đều như nhau. Nếu nhà sàn của dân tộc Thái trắng có 4 mái phẳng thì nhà của dân tộc Thái đen lại có mái khum khum hình mai rùa và có khau cút ở hai đầu mái nhà. Dân tộc Thái quan niệm con số may mắn phải là số lẻ nên kết cấu nhà ở thường là nhà 3 gianhoặc 5 gian, nhà nào giàu thì 7 gian, tổng số cửa sổ và cửa chính cũng phải là con số lẻ. Hai cầu thang ở hai đầu ngôi nhà cũng là bậc lẻ 7,9 , 11 hoặc 13 bậc thang. Ngôi nhà được chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất là gầm sàn dùng để chất củi, để nông cụ, tầng thứ hai là mặt sàn là nơi sinh hoạt của gia đình, tầng thứ 3 là gác trên là nơi cất giữ đồ vật quý.

          Ông Thùng Văn Ánh, chủ tịch xã Chà Nưa cho biết: Xã Chà Nưa có 6 bản, trong đó, dân tộc Thái chiếm 5 bản, người Thái ở đây vẫn giữ được nguyên vẹn cấu trúc nhà sàn truyền thống và xã cũng tuyên truyền tới người dân các bản hạn chế sử dụng bê tông cốt thép vào xây dựng nhà sàn để bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nhà sàn mà cha ông đã để lại.

115.jpg

Nhà sàn ngày nay đã có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại để phù hợp với cuộc sống mới.

Theo dòng chảy thời gian, để thích ứng với sự phát triển của xã hội, những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái đang có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại, vật liệu đa dạng hơn, quan niệm về cách dựng nhà, sắp xếp không gian sinh hoạt cũng không còn nhất nhất theo lối cũ để phù hợp với cuộc sống mới. Dẫu vậy lịch sử và văn hóa ngàn đời mà cha ông trao truyền gắn liền với nhà sàn thì vẫn còn nguyên giá trị. Nếp nhà sàn dù truyền thống hay hiện đại, vẫn luôn là nơi để trở về, để nhớ về cội nguồn của dân tộc./.

Sùng Dính
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên