Trong năm qua, huyện Nậm Pồ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhờ đó, công tác đào tạo nghề đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Lớp đào tạo nghề Kỹ thuật xây dựng
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội, được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cũng như cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân. Đối với huyện Nậm Pồ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện. Huyện có 32.484 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 16.106 lao động nữ. Để tạo việc làm mới cho người lao động, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất.
Trên cơ sở kế hoạch hằng năm của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã đã phối hợp tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu, phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh tiến hành mở các lớp theo kế hoạch giao. Căn cứ nhu cầu học nghề của lao động, năm 2022 huyện đã tổ chức mở lớp bổ túc giáo dục thường xuyên trên địa bàn được 04 đợt cho hơn 10.000 người dân trên địa bàn các xã; tuyên truyền tuyển sinh các lớp bổ túc THCS và THPT, tổ chức và đặt hàng đào tạo nghề với trường Cao đẳng nghề Điện Biên mở được 18 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp với 619 học viên được cấp chứng chỉ tại 10 xã trên địa bàn huyện, vượt 103% kế hoạch huyện giao, vượt 193% kế hoạch tỉnh giao, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp 550 học viên, nghề phi nông nghiệp 69 học viên.
Lớp đào tạo nghề Kỹ thuật xây dựng
Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho Trâu bò; trồng trọt,… các lớp học được tổ chức ngay tại chuồng trại chăn nuôi của người dân. Với phương thức “Cầm tay chỉ việc này”, học viên nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng lao động cho người dân.
Cách trộn và ủ thức ăn trong mùa đông
Chất lượng các lớp đào tạo nghề được đảm bảo theo quy định, phần lớn học viên sau khi học nghề biết vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, nâng cao được năng xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo.
Cách làm và vệ sinh chuồng trại
Trong năm huyện đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc theo hợp đồng trên địa bàn các tỉnh và thị trường lao động nước ngoài theo nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp cho 1.034 lượt người. Hiện tại số lao động đang làm việc ngoài tỉnh là 3.717 người. Nhìn chung, nhu cầu tìm việc làm theo hợp đồng của người dân không nhiều, đối tượng đi làm tập trung chủ yếu ở nhóm lao động từ 18 - 25 tuổi với thời hạn hợp đồng ngắn và không liên tục. Trung bình mỗi tháng có từ 80 - 120 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và số lao động trở về địa phương cũng gần tương đương với số đi làm. Đối với công tác xuất khẩu lao động, đã thực hiện giới thiệu, đăng ký làm thủ tục cho 03 lao động tham dự kỳ thi tiếng Hàn để tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc.
Cách làm gióng (chỗ tiêm) cho trâu bò
Từ khi thành lập huyện đến nay, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 2.700 lao động nông thôn, trung bình mỗi năm đào tạo nghề được 300 lao động/năm, nângtỷ lệ lao động được đào tạo đạt 26,03%; giải quyết việc làm cho 3.219 lao động,tạo việc làm mới bình quân 485 lao động/năm, đạt kế hoạch đề ra.
Để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để học viên sau khi học nghề biết vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, nâng cao được năng xuất trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo./.