Cứ mỗi độ tháng 3 về, trong không khí ấm áp của mùa xuân, trong mỗi chúng ta đều có những cảm nhận riêng về thế giới phụ nữ. Đây cũng là dịp để tôn vinh "một nửa thế giới" bởi hơn ai hết phụ nữ hiện đại là những người tuyệt vời với bao nhiêu trách nhiệm và phận sự trong gia đình lẫn trong xã hội. “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, chan hoà với đồng nghiệp, lịch thiệp nơi công sở, đó chính là nét đẹp bình dị của tập thể nữ cán bộ giáo viên, công nhân viên (CBGV-CNV) ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ.
Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” là phong trào thi đua mang tính đặc trưng riêng của nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành, được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cụ thể từ phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công đoàn, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, phong trào thi đua "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" đã được triển khai, tổ chức thực hiện sôi nổi, sâu rộng thông qua việc thực hiện lồng ghép với công tác nữ công, gắn với các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các cuộc vận động lớn "Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành và thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"...Kết quả đã đem lại cho ngành Giáo dục huyện nhà một bộ mặt mới nhiều khởi sắc, nữ CBGV-CNV của Ngành đã khắc phục khó khăn, không ngừng học tập nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, say mê học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tích cực nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao năng lực sư phạm, năng lực quản lý giáo dục.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng GD&ĐT phấn khởi cho biết: Hiện nay, ngành giáo dục huyện có 837/1476 nữ CBGV-CNV (chiếm 56,7%) và hầu hết các đơn vị trường trong huyện cơ bản đều có nữ tham gia lãnh đạo. Nhiều chị được lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong và ngoài ngành; được lựa chọn, bầu vào cấp uỷ, hội đồng nhân dân các cấp. Có nhiều chị em đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, số chị em đạt giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng tăng.
Tiết học Toán có ứng dụng CNTT của cô giáo Đào Thị Hòa – Trường THCS Chà Nưa tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện
Ngoài việc chăm lo chu đáo cho các em học sinh, thì các nữ CBGV-CNV trong ngành còn luôn nêu cao tinh thần tự học tự bồi dưỡng, không ngừng nâng lên về chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, nhiều chị em đang mang thai, có con nhỏ, gia đình khó khăn nhưng vẫn tích cực tham gia các lớp nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lí luận chính trị. Các chị em luôn chủ động học tập bổ sung kiến thức và các phương pháp dạy học mới phù hợp với đặc trưng của từng bài, từng môn, tích cực dự giờ thăm lớp trao đổi rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, có nhiều chị em đã trở thành cán bộ quản lý giỏi, có kinh nghiệm và thâm niên công tác như cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng trường Mầm non Si Pa Phìn, cô Tao Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng trường THCS Chà Nưa,... Bên cạnh đó, nhiều chị em là nòng cốt trong chuyên môn, được mọi người tin tưởng, được công nhận là giáo viên dạy giỏi các cấp trong nhiều năm liền như cô giáo Khiếu Thị Hồng Thắm - Trường PTDTBT THCS Nà Bủng, cô giáo Hà Thị Cam – Trường mầm non Pa Tần,…
Cô giáo Hà Thị Cam và các em học sinh tại điểm trường Huổi Quang, Mầm non Pa Tần
“Người ta vẫn bảo chúng tôi làm nghề cõng chữ lên non, mang cái chữ đến gần hơn với người dân vùng cao, sưởi ấm tâm hồn họ, vun vén, ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ chẳng sai. Không có cái chữ, đời sống văn hóa, tinh thần của họ kém phát triển dẫn đến nhiều vấn đề. Nào là sinh đẻ không có kế hoạch, tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu xúi giục… thế rồi cứ nghèo nàn, lạc hậu mãi”, cô giáo Hà Thị Cam, giáo viên trường mầm non Pa Tần tâm sự. Được biết, cô giáo Hà Thị Cam đến từ một miền quê rất xa xôi của huyện Quang Hóa – Thanh Hóa, 8 năm gắn bó với nghề với bao khó khăn, vất vả, xa nhà, xa gia đình. Nhưng bằng tình yêu nghề, cô vẫn lặng thầm cống hiến. Năm học này, cô xung phong lên Huổi Quang – điểm bản khó khăn nhất của xã Pa Tần, mới nhận chia tách từ huyện Mường Nhé để dạy chữ cho con em đồng bào người Mông. Có lẽ tình yêu thương những đứa trẻ nơi đây vì sự hồn nhiên, ngây thơ của các cháu và cả sự thiếu thốn, khốn khó của cuộc sống mà các em phải chịu, cô đã vượt qua tất cả để tiếp nối đam mê, khát vọng đối với nghề.
Không chỉ cô giáo Cam mà còn rất nhiều, rất nhiều giáo viên nữ trong ngành đã không quản ngại khó khăn vất vả luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng thiết tha yêu nghề, ý chí vượt khó, quyết tâm bám trường bám lớp, mặc dù phải vượt đèo, lội suối, lặn lội mưa gió, một mình ở lại bản cao heo hút để huy động học sinh ra trường ra lớp, các cô, các chị gần gũi, chăm sóc các em, chăm lo cho các em từng bữa cơm, nâng cho các em từng giấc ngủ, động viên học sinh đi học chuyên cần, kịp thời vận động những học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường.
Ngoài nhiệm vụ đối với xã hội, tập thể nữ CBGV-CNV trong ngành đã làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, người chị và người con dâu hiếu thảo trong gia đình. Việc xây dựng gia đình hòa thuận, nuôi con khỏe - dạy con ngoan là yêu cầu cần thiết để chị em đảm bảo hạnh phúc gia đình. Có nhiều chị em đã tổ chức tốt cuộc sống gia đình để chồng con an tâm công tác. Xây dựng gia đình hoà thuận, đầm ấm, hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Nhiều chị đã có con đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng và đạt các giải cao trong kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh… Tập thể nữ CBGV-CNV trong ngành không chỉ tâm huyết với nghề, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà trong những năm qua, chị em luôn đoàn kết giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn như quyên góp ủng hộ những gia đình neo đơn, gia đình gặp chuyện buồn đau, phát huy tình làng nghĩa xóm, hoạt động vì cộng đồng ở địa phương nơi cư trú. “Đảm việc nhà” là tiền đề và là điều kiện để chị em “giỏi việc trường” và ngược lại.
Bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng GD&ĐT cho biết thêm: Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10, Ban nữ công các trường đều tổ chức mít tinh, tọa đàm giúp chị em ôn lại truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước.Việc tổ chức các hoạt động của Ban nữ công hàng năm đã thu hút đông đảo chị em tham gia tích cực vào các phong trào và các hoạt động tập thể, khuyến khích chị em luôn cố gắng vươn lên trong học tập và công tác.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào nhiều năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” sẽ tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và có sức lan toả mạnh mẽ, để phụ nữ ngành Giáo dục huyện nhà có nhiều đóng góp xứng đáng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ngành Giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế./