Tết Hoa Mào gà – Nét văn hóa đặc sắc của người Cống ở bản Lả Chà
Thời gian đăng: 12/11/2024 02:09:38 PM

          Cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hằng năm, bà con dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết truyền thống của dân tộc Cống, với tên gọi Tết hoa mào gà.

DJI_20241111154300_0087_D.JPG

AA7A4579.JPG

Toàn cảnh Lễ Khai mạc Lễ hội Tết Hoa Mào gà dân tộc Cống bản Lả Chà năm 2024

AA7A4593.JPG

Đồng chí Hạng Nhè Ly, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện tặng quà của UBND huyện cho người dân bản Lả Chà

          Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp bởi vậy mà tổ tiên người Cống tổ chức Tết hoa mào gà với mong muốn đón điều tốt đẹp, rực rỡ như hoa.

Trong suốt những ngày Tết, phụ nữ Cống mặc các bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau hái về những bông hoa mào gà đẹp nhất rồi họ tết hoa thành những vòng đội đầu, trang trí nhà cửa, bản làng.

Chị Lò Thị Phưn, người dân bản Lả Chà cho biết: Chuẩn bị đón Tết hoa, phụ nữ trong bản Lả Chà sẽ cùng nhau đi chọn những bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất để trang trí nhà cửa, đường vào bản, nhà văn hóa và làm vòng hoa đội đầu cho các cháu nhỏ. Nhiều người còn tỉ mẩn làm vòng tay, vòng cổ bằng hoa mào gà.

Người chủ trì nghi lễ quan trọng trong lễ cúng Tết hoa của người Cống Lả Chà là ông Lù Văn Chanh - người có uy tín được dân bản Lả Chà kính trọng, tin tưởng. Việc chuẩn bị mâm cúng được ông Lù Văn Chanh dành nhiều tâm sức chọn lựa sản vật do bà con dân chuẩn bị.

Trò chuyện với chúng tôi, Thầy mo Lù Văn Chanh, một người có uy tín của bản Lả Chà cho biết: Tết hoa mào gà là lễ hội có từ xưa của người Cống bao đời truyền lại. Theo quan niệm của đồng bào Cống, 1 năm có 10 tháng, nên tháng 10 âm lịch được chọn là thời điểm tổ chức Tết hoa. Hoa mào gà một loài hoa biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của người Cống. Hoa mào gà trong Tết hoa còn tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà.

65.jpg 

66.jpg

67.jpg

Tết hoa có ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất của đồng bào trong năm, là dịp thể hiện đạo lý uống nước nguồn, con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.

Đồ lễ gồm: củ đậu, củ kiệu,  khoai sọ, 01 con gà, rượu cần. Và một lễ vật không thể thiếu đó chính là Phạt ái (hoa mào gà). Khi giờ tốt đến, già làng kiêm thầy cúng trong trang phục truyền thống kính cẩn dâng lễ vật xin phép tổ tiên, trời đất, thần linh… cho tổ chức Tết Hoa Mào gà.

Đợi khi thầy Lù Văn Chanh hoàn thành lễ cúng, người dân bản Lả Chà sẽ cùng nhau tay trong tay hát những bài hát truyền thống của dân tộc. Thanh niên, trẻ nhỏ cùng tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, cà kheo, cù quay... Tiếng hát tiếng cười của người già, trẻ nhỏ trong những ngày Tết hoa luôn vang rộn cả núi rừng.

Người Cống là 1 trong 6 dân tộc sinh sống trên địa bàn xã Pa Tần. Ở bản Lả Chà, người Cống sống tập trung với 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Đời sống tinh thần của người Cống bản Lả Chà khá phong phú với nhiều nghi lễ, trong đó Tết hoa là nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Cống.

Tết hoa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội của người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc người dân tộc Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ./.

Thành Đạt
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên