Thanh xuân chăm “búp non” trên bản Mông
Thời gian đăng: 21/11/2022 07:53:12 AM

          Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá và bất đồng ngôn ngữ ở các điểm trường vùng sâu vùng xa, nhiều cô giáo đã bỏ cuộc trên con đường gieo chữ trồng người. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cô giáo đã tình nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình để ở lại bám trường, bám bản gieo chữ thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ vùng cao. Điển hình như hai cô giáo Lò Thị Anh và Vì Thị Học tại điểm trường Mốc 4, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ.

130.jpg

Các em học sinh Mần non điểm trường Mốc 4 tặng hoa rừng chúc mừng hai cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam

          Với 6 năm công tác và giảng dạy tại một số thôn bản gần xa của xã Nậm Tin, không có khó khăn nào mà đôi bạn thân - cô giáo Học và cô giáo Anh - chưa trải qua, chứng kiến những thiếu thốn vất vả của học sinh vùng cao. Thương học trò đôi chân rắn rỏi của hai cô lại miệt mài ngược núi, băng rừng đi gieo chữ cho các em nhỏ người Mông trên khắp các bản làng. Do tính chất công việc phải luân chuyển, năm nay cô Học và cô Anh được phân công giảng dạy tại bản Mốc 4, xã Nậm Tin, một trong những điểm bản xa và đường sá đi lại khó khăn nhất. Hiện tại điểm trường có hai cô giáo với 54 học sinh, chia làm 2 lớp.

131.jpg

Cô giáo Vì Thị Học với các em nhỏ Nậm Tin 

         Từ nhà hai cô giáo đến trường khoảng 30km đường đất. Vì quá xa nhà, đường gập ghềnh khó đi lại, hai cô đành phải gửi con cho ông bà, tạm biệt chồng con, khăn gói lên ở lại trường để thuận lợi cho việc dạy học và cuối tuần mới về, vào mùa mưa đường trơn có khi cả tháng trời mới về nhà một lần. Đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì đường trơn trượt lại dốc đứng, đi bộ còn khó chứ chưa nói đến chuyện đi xe máy. Những lúc đó hai cô đành phải bỏ xe lại, mang theo hành lý, thực phẩm cho học sinh rồi tay xách nách mang đi bộ vào bản để còn kịp giờ dạy. Bản Mốc 4 vẫn chưa có điện quốc gia để sử dụng tủ lạnh bảo quản đồ ăn cho học sinh nên cứ hai, ba ngày cô Học và cô Anh lại thay phiên nhau vượt 12km đường gập ghềnh sỏi đá xuống chợ xã mua thực phẩm cho học sinh như; trứng, thịt lợn, rau cỏ và ít đồ khô để đảm bảo bữa ăn tươi ngon cho học sinh. Hôm nào may mắn có người dân xuống thì nhờ dân mua giúp cân thịt, bó rau mang lên.

132.jpg

133.jpg

Những con đường gập ghềnh, trơn trượt lên bản dạy học của hai cô giáo Vì Thị Học và Lò Thị Anh

          Cô Vì Thị Học chia sẻ: Năm 2016, tôi vào nhận công tác, một mình vượt đường rừnglên bản dạy học mà người cứ run bần bật. Thuở ấy ở đây còn nhiều khó khăn, điện không có, sóng điện thoại lúc có lúc mất, cơ sở vật chất thiếu thốn.Lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ nghề cho rồi nhưng nhìn thấy những khó khăn vất vả của các em học sinh và người dân nơi đây tôi lại có thêm động lực tiếp tục bám trường bám bản dạy học cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà.

          Người dân nơi đây chủ yếu là làm nương rẫy, họ lên nương từ sáng sớm đến tối mịt, khi con gà lên chuồng mới về nhà, họ có ít thời gian và điều kiện chăm sóc con cái. Vì thế mà chuyện học hành của các con cũng phó mặc cho thầy cô luôn. Hai cô giáo đã quen với hình ảnh các em học sinh mặt mũi lấm lem đến lớp, nhiều em mặc một bộ quần áo đến hai, bai ngày chưa thay. Thươnghọc sinh, các cô lại lau mặt, chải đầu, buộc tóc, rửa chân tay cho các cháu đầu buổi học.

134.jpg

Cô Lò Thị Anh chở lốp xe lên trang trí lớp học và thiết kế đồ chơi cho các em

          Đối mặt với những khó khăn trên hành trình “gieo hạt tri thức”, cô Học và cô Anh chưa bao giờ nản chí mà luôn nỗ lực trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo các trò chơi, bài hát gần gũi với các em vùng cao, cố gắng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất, luôn cố gắng để các em biết đọc, biết viết và nhận biết những cái hay của thế giới xung quanh qua từng tiết học.

          Cô Lò Thị Anh chia sẻ thêm là: 100% các em ở đây là dân tộc Mông và không biết tiếng phổ thông nên tiếp thu chậm. Do đó, để mà dạy được các em, hai cô bắt buộc phải học tiếng Mông để dạy song ngữ vừa dạy tiếng Kinh vừa phiên dịch sang tiếng Mông cho các em hiểu và tiếp thu bài tốt hơn. Vất vả là vậy nhưng khi nghe các em nhỏ bập bẹ được vài từ tiếng phổ thông là chúng tôi hạnh phúc lắm, bao vất vả cũng theo đó mà tan biến.

223.jpg

Hai cô giáo luôn đảm bảo bữa ăn tươi ngon cho các em điểm trường Mốc 4

         Qua trao đổi, cô giáo Nguyễn Thị Mai Thu, hiệu trưởng Trường Mần non Nậm Tin cho biết: Hiện tại cả trường có 16 lớp với 11 điểm trường trong đó 1 điểm trung tâm và 10 điểm bản. Mốc 4 là điểm bản trường xa và đường đi lại khó khăn nhất. Mong rằng với lòng yêu nghề, mến trẻ các cô giáo sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để đem con chữ đến với học sinh vùng cao.

         Dù khó khăn, gian nan là vậy, nhưng với cô Vì Thị Học và Cô Lò Thị Anh, cũng như nhiều thầy cô giáo khác trên mọi miền tổ quốc vẫn sẵn sàng ở lại vùng cao bám trường bám bản, ngày đêm nỗ lực dạy học vì một ước mơ, mong sao các em học sinh đều được đến trường, được học tập, để có một tương lai tốt, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

        Sùng Dính
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên