Vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán hàng năm, Người Dao đỏ ở Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ thường nhuộm trứng thành màu đỏ sẫm làm quà tặng cho con cháu với mục đích gọi hồn cho trẻ nhỏ trong một năm qua, chúc phúc cầu may cho một năm mới…
Người Dao đỏ ở Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần đã sinh sống từ nhiều thế hệ đến nay có gần 90 hộ, với 4 dòng họ cùng chung phong tục tập quán với nhiều văn hóa đặc sắc trong những ngày Lễ, Tết, cưới hỏi, thờ cúng như: Tục nhuộm trứng đỏ, Lễ cấp sắc, Tết nhảy lửa, cúng cơm mới, cúng cho phụ nữ có thai, cúng đền thờ thổ địa ... Trong đó, Tết Nguyên đán hàng năm không thể thiếu tục nhuộm trứng đỏ vào sáng ngày mùng 1 Tết. Người Dao đỏ có quan niệm màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, sung túc. Quả trứng tròn là biểu tượng của sự đầy đủ, vẹn toàn, viên mãn và mong muốn cuộc sống yên ấm. Do đó, nhuộm trứng là một trong những tục truyền lâu đời, không thể thiếu trong dịp tết.. Vào sáng mùng 1 Tết các bậc cha mẹ, ông bà sẽ nhuộm trứng tặng cho con cháu trong gia đình, chỉ riêng trẻ nhỏ, người chưa lấy chồng, lấy vợ ai cũng có riêng từ một đến 2 quả trứng gà nhuộm đỏ, tùy thuộc vào điều điện từng gia đình, cầu mong may mắn.
Để nhuộm trứng, các gia đình thường sẽ đếm số lượng con cháu trong nhà để mua hay chọn trứng gà/vịt nhà nuôi được cất cẩn thận để sáng mùng 1 Tết dậy sớm luộc trứng. Màu để nhuộm trứng, ngày xưa là do các ông bà tự vào rừng tìm lấy rễ – một loại cây dùng để nhuộm màu, đem về rửa sạch và nấu sôi để tạo ra loại dung dịch màu đỏ và có độ bám dính, còn giờ mua phẩm màu từ các khu chợ. Trứng gà sau khi được luộc chín sẽ được nhuộm bằng nước rễ cây hay phẩm màu pha tỉ lệ đủ đỏ sẫm, khi nhúng quả trứng gà đã luộc chín vào dung dịch này, trứng sẽ có màu đỏ sậm. Sau khi được nhuộm đỏ, quả trứng cứng hơn, khó vỡ rồi đem chia cho con cháu. Chị Chảo Nẻ Mềnh (bản Huổi Sâu, xã Pa Tần) chia sẻ: Trước tôi còn nhỏ ở với bố mẹ, dịp Tết là được bố mẹ nhuộm trứng đỏ cho, giờ tôi lấy chồng có hai đứa con rồi nên năm nào cũng tự chuẩn bị trứng, phẩm màu để nhuộm trứng cho các con để gọi hồn cho con nhỏ, để con ngoan khỏe, một phần cũng để con có đồ chơi Tết như các bạn trong bản.
Chị Chảo Nẻ Mềnh đang nhuộm những quả trứng gà thành màu đỏ cho 2 con của chị
Trứng sau khi được nhuộm đỏ sẽ được đựng trong các giỏ được đan bằng sợi chỉ hoặc túi bóng. Giọ đan theo chiều đầu nhỏ của quả trứng quay lên trên đầu to. Với bàn tay khéo léo của phụ nữ Dao đỏ, khi đan xong chiếc giọ, trứng đã nhuộm đỏ sẽ cho vào giọ buộc chặt 2 đầu lại. Có nhiều cách để đan giọ khác nhau, miễn sao giọ trứng không làm tuột trứng, sau khi đan xong thì phần dây dài để đeo vào cổ, tránh rơi vỡ.
Để hiểu thêm về tục nhuộm trứng của người Dao Đỏ ở Huổi Sâu. Cụ Chảo Tràn Phin, 80 tuổi – già làng duy nhất của bản chia sẻ thêm: Tục nhuộm trứng đỏ của dân tộc Dao đỏ chúng tôi, riêng ở Huổi Sâu, không biết nguồn gốc ra đời như thế nào, nhưng thế hệ tôi biết thì đã được duy trì từ rất lâu đời, Tết là phải nhuộm để cho con cháu, để gọi hồn cho con cháu theo phong tục của dân tộc, cầu mong cho con cháu khỏe mạnh chăm ngoan trong một năm mới.
Những quả trứng gà đã được nhuộm đỏ
Xu thế hội nhập, tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tạo ra sự giao thoa mạnh mẽ giữa các mảng văn hóa dân tộc, giữa văn hóa hiện đại với văn hóa dân gian. Tuy nhiên, tục nhuộm trứng đỏ của người Dao đỏ ở Huổi Sâu vẫn được lưu truyền và phát huy. Có thể thấy dù có sự giao thoa bản sắc văn hóa nhưng Tục nhuộm trứng đỏ của người Dao đỏ nói riêng và văn hóa độc đáo của người Dao đỏ nói chung còn mãi với thời gian./.